Trường THPT Trần Hưng Đạo đóng chân tại Buôn Cư Đrăm, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông (thuộc địa bàn căn cứ H9 anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước), được thành lập tháng 7/2010 trên cơ sở tách ra từ phân hiệu của trường THPT Krông Bông.
Trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh bậc THPT cho con em nhân dân các dân tộc 4 xã cánh Đông của huyện: Hòa Phòng, Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao và một bộ phận học sinh của xã Krông Á và Cư San của huyện M’ Đrắk, trong đó tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số hàng năm đều chiếm trên 70%.
Đời sống của nhân dân trên địa bàn, nhất là người dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào còn nhiều khó khăn, giao thông chưa thuận lợi; nhiều gia đình không có điều kiện để chăm lo cho con em học tập, vì thế hàng năm, số học sinh nghỉ học để phụ giúp gia đình, hoặc nghỉ do phong tục tập quán của địa phương chiếm tỷ lệ cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
Đứng trước những khó khăn, thử thách đó, tại Đại hội chi bộ lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020 của nhà trường đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng khối đại đoàn kết giữa nhà trường với nhân dân các dân tộc trên địa bàn, trong đó có việc “quyết tâm xây dựng 1 căn nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình có công với cách mạng, hoặc hộ nghèo của Buôn kết nghĩa Cư Đrăm”.
Để cụ thể hóa Nghị quyết, Chi bộ nhà trường đã phát động trong cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường tự nguyện quyên góp ngày công lao động, ngày lương… để xây dựng “Quỹ đại đoàn kết”. Đối với các em học sinh – đoàn viên thanh niên của nhà trường, Chi bộ đã giao cho Đoàn thanh niên nhà trường phát động trong toàn thể đoàn viên, học sinh thực hiện quyên góp theo hình thức quy đổi sản phẩm như: giấy vụn, ve chai, … được quy theo tuần với mức tối thiểu bằng 1.000 đồng/ 1 đoàn viên – thanh niên/ 1 tuần.
Qua việc làm này, có thể nói đây là một sự tâm huyết, sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường trong việc giáo dục học sinh, đoàn viên thanh niên ý thức về lòng nhân ái, truyền thống đoàn kết của dân tộc, giúp các em biết trân trọng công sức lao động của cha mẹ và của chính bản thân mình để chăm ngoan trong học tập và rèn luyện bản thân.
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết, “Quỹ đại đoàn kết” đã huy động được hàng trăm triệu đồng; hàng ngàn bộ quần áo, sách, vở; hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Đến đầu năm 2020, Chi bộ Trường THPT Trần Hưng Đạo đã phối hợp với các cấp Ủy chính quyền địa phương của xã Cư Đrăm và Buôn kết nghĩa Cư Đrăm thực hiện khảo sát, lựa chọn hộ gia đình có công với cách mạng, gia đình thuộc diện hộ nghèo để tiến hành xây dựng căn nhà đại đoàn kết.
Qua khảo sát và lựa chọn của chính quyền địa phương, hộ được chọn để nhà trường xây tặng "Nhà Đại Đòan kết" là hộ của anh Y Mươi Êban và chị H’ Al Êban.
Được biết, gia đình của anh chị Y Mươi Êban và H’ Al Êban thuộc diện hộ nghèo của Buôn, gia đình có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ, nhưng lại không có đất sản xuất, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền công do anh Y Mươi đi làm thợ hồ, làm thuê để trang trải. Căn nhà vợ chồng anh Y Mươi Êban và chị H’ Al Êban ở do bố mẹ vợ và bà con trong buôn dựng tạm cho bằng gỗ tạp, vách nứa, tôn đã qua sử dụng; các vật dụng hầu như sơ sài ….
Căn nhà đại đoàn kết của Trường THPT Trần Hưng Đạo tặng gia định anh Y Mươi có tổng trị giá 71 triệu đồng, thuộc nhà cấp 4 co diện tích sử dụng 48m2, gồm 3 phòng: 2 phòng ngủ, 1 phòng khách. Riêng nhà vệ sinh, nhà bếp đã được Đoàn thanh niên nhà trường cùng bà con trong buôn đã tận dụng căn nhà cũ để giúp gia đình dựng lại và sửa chữa chắc chắn, đảm bảo các sinh hoạt thường ngày của một hộ gia đình.
Trong giây phút xúc động khi nhận bàn giao căn nhà, anh Y Mươi tâm sự: "Với gia đình chúng tôi, thực sự đây như là giấc mơ vậy. Từ nay vợ chồng, con cái chúng tôi không còn phải lo dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác trong căn nhà dột mỗi khi có mưa. Bọn trẻ con của tôi không còn phải sợ sấm, chớp mà chạy đi nấp nữa. Xin cảm ơn Chi bộ, cảm ơn các thầy cô giáo và các em học sinh của Trường THPT Trần Hưng Đạo. Vợ chồng chúng tôi sẽ chuyên tâm làm ăn, sớm thoát cảnh nghèo khó như lời căn dặn của thầy Thạch (thầy Dương Kim Thạch, Hiệu trưởng trường THPT Krông Bông, Nguyên Bí thư Chi bộ, Nguyên Hiệu trưởng nhà trường –TG) và Già làng Ama Diện".
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”