Đa dạng hình thức
Tại Trường THCS Nguyễn Hiền (Quận 12, TPHCM), thầy Đinh Văn Trịnh, Hiệu trưởng cho hay, nhà trường đã triển khai quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Thầy Trịnh cho biết nhà trường đề nghị giáo viên phải nghiên cứu kỹ để thực hiện cho đúng với quy định của ngành.
“Nếu đang dạy tại các trung tâm thì giáo viên cần rà soát, nếu lớp dạy của mình có học sinh chính khóa thì báo ngay với trung tâm. Song song đó cần rà soát và cập nhật ngay thông tin về cơ sở mình đang dạy đã được cấp quản lý cấp phép hoạt động hay chưa. Những giáo viên đang tổ chức dạy thêm tại nhà thì phải thực hiện theo đúng nguyên tắc không được phép tổ chức quản lý”, thầy Trịnh nhấn mạnh.
Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TPHCM), ngay đầu năm, lãnh đạo nhà trường đã triển khai rất kỹ việc giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh đang học chính khóa trên lớp do nhà trường phân công. Riêng với những giáo viên báo cáo đang dạy thêm học sinh ngoài lớp, ngoài trường, nhà trường hướng dẫn thầy cô chờ có hướng dẫn của các cấp quản lý sẽ làm thủ tục để dạy đúng quy định.
Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, ngoài quán triệt những quy định về Thông tư 29 tại các cuộc họp của Hội đồng sư phạm nhà trường, họp tổ chuyên môn và trên các nhóm của giáo viên, thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng nhà trường còn trực tiếp gặp thông tin rõ các quy định cũng như giải đáp những thắc mắc của giáo viên trước đó.
Còn thầy Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11) chia sẻ, quy định mới trong việc dạy thêm và học thêm của Thông tư 29 có tác động xã hội rất lớn. Nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh cũng như giáo viên.
“Để Thông tư 29 phát huy hiệu quả trong thực tiễn, nhà trường đã quán triệt các nội dung đến toàn thể giáo viên chấp hành nghiêm túc các quy định dạy thêm theo thông tư để đảm bảo sự công bằng về sự giáo dục đối với các học sinh. Ngoài ra, thầy cô cũng đã thông báo rộng rãi đến phụ huynh học sinh về các quy định mới liên quan đến dạy thêm, học thêm”, thầy Tài cho hay.
Cơ hội để thay đổi
Bà Nguyễn Thị Song Trà, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và đào tạo TH (quận Gò Vấp, TPHCM) đơn vị có Trung tâm ngoại ngữ - tin học chia sẻ, thông tư 29 là cơ hội để thiết lập lại bức tranh dạy thêm học thêm vốn “trăm hoa đua nở” từ trước đến nay. Đây cũng là lúc phụ huynh nhìn nhận lại thực tế con mình có thật sự cần học thêm không?, hay thay vì chạy theo mô hình học thêm - dạy thêm truyền thống, phụ huynh có thể hướng con đến các chương trình học giúp phát triển toàn diện.
Những mô hình dạy học thêm theo hướng truyền thống sẽ phải thay đổi để làm đúng quy định, tuân thủ Thông tư 29 để yên tâm hoạt động. Các trung tâm dạy thêm học thêm, công ty giáo dục, trung tâm ngoại ngữ… vốn đã đầy đủ về khâu pháp lý rồi cũng sẽ phải tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh trong bối cảnh mới.
Còn thầy Đỗ Đình Đảo chia sẻ, trước đây, với thông tư cũ, giáo viên có dạy thêm nhưng chắc chắn ngại hoặc không dám quảng bá với học sinh, phụ huynh. Nhưng với Thông tư 29 lại khác, thầy cô có thể đàng hoàng mà dạy thêm khi đã thực hiện đúng quy định. Tự tin mà giới thiệu, quảng bá chính năng lực của mình công khai đến phụ huynh học sinh. Mà thậm chí ngay chính trung tâm mà các thầy cô đang dạy, nhà trường thầy cô đang công tác cũng có thể giới thiệu, công khai đến phụ huynh học sinh danh sách thầy cô đã đủ điều kiện dạy thêm để phụ huynh học sinh biết.
Đề cập những quy định về việc dạy thêm của giáo viên căn cứ vào Thông tư 29, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định, không có bất cứ điều khoản nào cấm giáo viên dạy thêm. Khi tham gia hoạt động này ở ngoài nhà trường thì giáo viên phải dạy ở cơ sở có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Những giáo viên đang dạy tại các trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cũng lưu ý khi lớp dạy thêm của cơ sở dạy thêm có học sinh chính khóa, giáo viên có thể đề nghị cơ sở dạy thêm sắp xếp lại lớp học để tránh việc dạy chính học sinh của mình. Hoặc đề nghị cơ sở dạy thêm không thu tiền dạy thêm đối với môn học đối với học sinh nói trên.
Ngày 14/2 Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Theo đó, có nhiều quy định mới như: Không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 02 buổi/ngày; giáo viên không được dạy thêm có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp,...