Trường học phát cảnh báo sau khi phụ huynh nhận được ‘link lạ’

GD&TĐ - Trường THCS Lê Quý Đôn (TPHCM) vừa gửi thông báo cảnh giác, sau khi có phụ huynh nhận được thông báo kiểm tra tiếng Anh và đường "link lạ".

Trường học phát cảnh báo sau khi phụ huynh nhận được ‘link lạ’

Trước đó, ngày 12/4, một phụ huynh có con đang học tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) nhận được thông báo từ nhà trường với nội dung cảnh báo: Hiện tại đã có phụ huynh nhận được tin nhắn có nội dung: "Kính gửi phụ huynh thông tin kiểm tra tiếng Anh, giúp định hướng tốt hơn cho sự phát triển các kỹ năng tiếng Anh của con và đính kèm đường link thực hiện". Nhà trường khẳng định không có thông báo kiểm tra tiếng Anh qua tin nhắn. Kính đề nghị thầy, cô chủ nhiệm thông báo đến cha mẹ học sinh cảnh giác và không nhấn vào link yêu cầu của tin nhắn”.

Sáng 13/4, trao đổi với phóng viên về sự việc trên, ông Nguyễn Văn Diệu, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, sáng 12/4 phụ huynh của trường sau khi nhận được tin nhắn trên thì hỏi giáo viên nên nhà trường mới biết.

Cũng theo thầy Diệu, đây không phải là hộp thư điện tử cũng như tin nhắn trường gửi cho phụ huynh. Do đó, khi nắm được sự việc, ngay lập tức trường gửi thông tin để phụ huynh cảnh giác. Thực tế trong thời gian qua, có rất nhiều chiêu thức lừa đảo liên quan đến học sinh và phụ huynh. Do đó, mọi người cần cảnh giác.

Theo tìm hiểu, đường link đính kèm trong tin nhắn gửi cho phụ huynh Trường THCS Lê Quý Đôn dẫn đến trang web của một hệ thống đào tạo về tiếng Anh. Trong đường link có hướng dẫn phụ huynh cung cấp thông tin để đăng ký kiểm tra trình độ tiếng Anh cho học sinh, gồm email, số điện thoại, họ tên...

Trong những tháng qua, tại TPHCM và nhiều địa phương trên cả nước liên tục xuất hiện nhiều chiêu thức lừa đảo nhắm đến phụ huynh và học sinh. Trong đó, với phụ huynh, đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn gọi điện, nhắn tin thông báo “con đang cấp cứu” đánh vào tâm lý thương con để lừa tiền của phụ huynh. Ngoài ra, các đối tượng còn nhắm đến học sinh khi giả danh người quen báo “ba/mẹ con bị tai nạn” để đến đón các em đi,…

Trước đó, Sở GD&ĐT TPHCM cũng đã có văn bản yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, TP Thủ Đức; Hiệu trưởng các trường THPT, Trung cấp, Cao đẳng trực thuộc; Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục Thường xuyên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục thực hiện việc rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên. Đảm bảo các kênh thông tin giữa nhà trường và phụ huynh được thông suốt.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, cập nhập các hình thức và phương thức lừa đảo mới, phát sinh cho học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh. Xây dựng nhiều giải pháp giáo dục, hỗ trợ học sinh, sinh viên nhận biết và phòng tránh các hành vi lừa đảo. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương đảm bảo trật tự, an toàn cho học sinh tại khu vực cổng trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.