Trường học Nam Định phát triển mô hình thư viện mở cho học sinh

GD&TĐ - Việc phát triển mô hình thư viện mở giúp học sinh có thêm không gian đọc sách cũng như giải trí sau những giờ học tập căng thẳng.

Thư viện mở theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp và thân thiện tại Trường THCS Hải Xuân, Hải Hậu (Nam Định).
Thư viện mở theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp và thân thiện tại Trường THCS Hải Xuân, Hải Hậu (Nam Định).

Thách thức và cơ hội đan xen

Trong thời đại bùng nổ của các loại hình giải trí mang tính tương tác đang dễ dàng thu hút lứa tuổi thanh thiếu niên và nhi đồng. Có lẽ vì thế, tính giải trí được đề cao hơn tính tư duy, thói quen đọc sách đang dần bị lãng quên. Do đó cần có giải pháp để nâng cao vai trò, sức hấp dẫn của sách trước sự phát triển không ngừng của công nghệ.

Gia đình, nhà trường và xã hội cần có cách thức để giúp học sinh đảm bảo an toàn khi tiếp cận với trào lưu ảo trong thế giới thật hiện nay mà vẫn không bị ảnh hưởng tiêu cực về đạo đức; không trở nên lười biếng, lơ là trong học tập và vẫn giữ được lối sống lành mạnh, được bồi dưỡng, phát triển năng lực, phẩm chất từ việc rèn luyện thói quen đọc sách, tương tác (học và chơi) với sách.

Cô Hoàng Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định (tỉnh Nam Định) chia sẻ, để tạo ra môi trường giúp trẻ có tình yêu với sách, thư viện trường, thư viện lớp, thư viện ngoài không gian lớp học được nhà trường quan tâm đầu tư đặc biệt.

tong 1.jpg
Học sinh thỏa thích với tủ sách ngoài sân trường tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định.

Ngoài việc huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng bổ sung nguồn sách, đảm bảo tính phong phú, đa dạng và có tính chọn lọc cao thì các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh đã không ngừng sáng tạo trong thiết kế và trang trí để thư viện trường, lớp thực sự hiện đại, trưng bày và sắp xếp khoa học, đẹp mắt, dễ tìm kiếm.

Bên cạnh đó, thư viện ngoài không gian lớp học cũng là một địa điểm lí tưởng để các em học sinh thể hiện tình yêu với sách. Thư viện ngoài trời thường xuyên được thay đổi hình thức như "Xe sách lưu động" hay "Tủ sách Bồ câu" để cuốn hút sự tìm kiếm của học sinh với sách như những chú ong chuyên cần đi tìm mật.

Cô Bình cũng cho hay, nguồn sách của thư viện lớp được bổ sung, đổi mới thường xuyên với chiến dịch góp sách hàng tháng và đổi sách hàng tuần. Mỗi cuốn sách sẽ được giao lưu cùng các lớp trong khối, được sử dụng trước giờ đi ngủ và sau giờ ăn bán trú và được phát huy hiệu quả với chiến dịch mỗi tuần giới thiệu một cuốn sách hay trên lớp.

Nhiều giải pháp thiết thực

thu 1.jpg
Thư viện Trường THCS Hải Xuân được trang bị đầy đủ các tài liệu, sách báo đa dạng phục vụ độc giả.

Theo thầy Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định), thư viện là trung tâm của hoạt động kết nối giáo dục, là nơi tổ chức cho giáo viên, học sinh sử dụng một cách có hiệu quả các loại tài liệu như sách, báo để phục vụ trong quá trình nghiên cứu giảng dạy và học tập.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới đó, thư viện Trường THCS Hải Xuân có vai trò quan trọng, liên quan mật thiết với thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc, tạo hứng thú làm việc nhóm của học sinh.

Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo và phát huy trí tưởng tượng của học trò, nhằm xây dựng và phát triển năng lực tự học, năng lực giao tiếp, năng lực ngôn ngữ và sáng tạo cho người học; hình thành và nuôi dưỡng các phẩm chất nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm cho học sinh.

tong2.jpg
Mỗi nhà trường đều có những sáng tạo riêng để lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh.

Trong quá trình thực hiện dạy học theo chương trình GDPT 2018 của Bộ GD&ĐT, nhân viên thư viện nhà trường cũng nắm rõ được nhiệm vụ của mình và đã tiếp cận tìm hiểu những tài liệu, khảo sát nhu cầu thực tế của học sinh và giáo viên tại trường; đồng thời tham mưu cho lãnh đạo nhà trường lên kế hoạch mua sắm nguồn tài liệu phù hợp với nhu cầu học tập và giải trí của học sinh.

Bên cạnh đó, thư viện cũng thực hiện triển khai thư viện với không gian mở - thư viện xanh , ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp nguồn học liệu giúp việc tìm kiếm tài liệu của học sinh và giáo viên trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

"Với vai trò là một thủ thư, tôi luôn nhận được sự quan tâm kịp thời và tạo điều kiện từ Ban giám hiệu nhà trường trong xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung nguồn tài liệu giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mục tiêu nhằm tạo nên một thư viện xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, học sinh tích cực", cô Bùi Thị Ngân - thủ thư Trường THCS Hải Xuân tâm sự.

Ở Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, cùng với việc đọc sách, mỗi giáo viên cũng thực hiện công việc giống như học sinh, mỗi tuần 1 cuốn sách hay. Thầy cô có thể đọc sách trong thư viện, trong phòng làm việc, ngoài không gian lớp học hay cùng học trò đọc sách và thi đố những nội dung liên quan đến sách. Cha mẹ các em cũng được khuyến khích đến trường đọc sách cùng con, đọc sách chờ con ở hàng ghế công viên của trường thay cho việc sử dụng điện thoại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ