Trường học Lào Cai phát huy hiệu quả dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng là trường học đầu tiên của tỉnh Lào Cai thành lập Câu lạc bộ dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết cho học sinh.

Các học sinh trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng trong trang phục dân tộc truyền thống.
Các học sinh trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng trong trang phục dân tộc truyền thống.

Với mong muốn bảo tồn, gìn giữ tiếng nói và chữ viết các dân tộc thiểu số, trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã mở các lớp dạy tiếng dân tộc: Mông, Dao, Tày cho học sinh.

Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trò chuyện với cô Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng để tìm hiểu về mục tiêu, kết quả và định hướng dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết cho học sinh dân tộc thiểu số.

Gìn giữ giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc

-Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng là trường học đầu tiên thành lập“Câu lạc bộ dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết” (CLB) cho học sinh, cô có thể chia sẻ về lý do và mục tiêu khi thành lập ClB?

- Với đa phần là học sinh dân tộc thiểu số, trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng luôn giáo dục học sinh gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

bao-thang-1-4719.jpg
Cô Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng.

Trong khi đó, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc đang bị mai một. Phần đông thế hệ trẻ, học sinh không thường xuyên sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình. Chính vì vậy, việc thành lập và duy trì hoạt động CLB dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết rất cần thiết tại trường.

Mục tiêu khi thành lập "CLB dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết” cho học sinh là dạy tiếng dân tộc thiểu số theo chương trình GDPT 2018. Qua đó, giáo dục các em lòng tự tôn, yêu quý về tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Góp phần hình thành và phát triển cho các em phẩm chất yêu nước và năng lực ngôn ngữ (5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi).

Qua việc duy trì hoạt động của CLB, các em hiểu được tiếng nói, chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số là giá trị cốt lõi về bản sắc văn hoá. Từ đó, có ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trong nhà trường theo Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Sau khi được thành lập, CLB nhận được sự hưởng ứng như thế nào từ phía học sinh, thưa cô?

- Khi nhà trường thành lập CLB dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết cho học sinh dân tộc thiểu số, nhiều em đã đăng ký tham gia. Mỗi tuần 1 lần, các em cùng CLB sẽ bàn chủ đề cho buổi sinh hoạt định kỳ như: Giao tiếp cơ bản, vật dụng trong gia đình, một số hoạt động hằng ngày… với “giáo trình” tự biên soạn qua tìm hiểu từ thực tế kết hợp với sưu tầm và tham khảo thêm trên internet.

bao-thang-8-5146.jpg
Cô Lan (áo trắng) chụp ảnh cùng các học sinh trong ngày ra mắt CLB dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết dân tộc thiểu số.

Rất nhiều học sinh phấn khởi, tích cực tham gia học tập và giảng dạy tại CLB, đặc biệt là những học sinh chưa biết, ngại nói tiếng mẹ đẻ. Đối với những em học sinh được lựa chọn trực tiếp giảng dạy, các bạn luôn có tinh thần trách nhiệm cao.

Sau những buổi sinh hoạt định kỳ của CLB, học sinh thường xuyên giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Trau dồi, học hỏi lẫn nhau, làm phong phú hơn vốn từ của mình. Về nhà, nhiều em cũng chăm chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp với các thành viên trong gia đình.

- Hình thức hoạt động của Câu lạc bộ như thế nào, thưa cô?

- Các tiết học tiếng mẹ đẻ, chữ viết dân tộc thiểu số được thực hiện tại lớp học thông qua lịch hoạt động của Câu lạc bộ xây dựng. Thường các tiết được tổ chức vào cuối giờ tự học của thứ 2, 4, 6 trong tuần. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ sẽ là người tổ chức và hướng dẫn thực hiện.

Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính cộng đồng tại các buổi sinh hoạt nội trú, sinh hoạt tập thể đầu tuần, các ngày lễ lớn… để học sinh có cơ hội thực hành tiếng mẹ đẻ và tìm hiểu nét đặc sắc văn hoá tại trường.

Cùng với đó, trường tổ chức thi biểu diễn thời trang và thuyết minh ý nghĩa các bộ trang phục dân tộc của chính học sinh. Tăng cường giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ trong quá trình sinh hoạt tại nhà trường, với người thân tại gia đình.

bao-thang-1-2039.jpg
Nữ sinh người Mông duyên dáng trong điệu múa Sênh tiền.

- Cô có thể chia sẻ những khó khăn gặp phải khi dạy học tiếng, chữ viết dân tộc cho học sinh? Giải pháp nhà trường đã triển khai để khắc phục những khó khăn đó?

- Việc truyền dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết cho học sinh dân tộc thiểu số gặp phải nhiều khó khăn. Đây là một việc làm mà không hề có văn bản hướng dẫn hay đơn vị trường học nào tổ chức trước đó nên khi thực hiện, nhà trường còn gặp khó khăn. Cùng với đó, thiếu về đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, kinh phí...

Để tháo gỡ khó khăn trên, trường đã báo cáo về chủ trương thực hiện dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số và được Sở GD&ĐT, cụ thể được sự hướng dẫn tận tình của thầy Nguyễn Minh Thuận – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT. Đồng thời, nhà trường mời các bậc phụ huynh là người có hiểu biết về tiếng mẹ đẻ và uy tín với cộng đồng làm Ban cố vấn.

Trên cơ sở đó, nhà trường lựa chọn những học sinh cùng dân tộc với những học sinh chưa biết nói tiếng mẹ đẻ vào Ban chủ nhiệm CLB và được phân công nhiệm vụ soạn nội dung giảng dạy dưới sự hướng dẫn của Chủ nhiệm CLB.

bao-thang-6-4493.jpg
Tiết kiểm tra của CLB

Những học sinh đứng lớp chính để truyền dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết sẽ được nhà trường hỗ trợ, động viên một phần nhỏ kinh phí, trích từ nguồn hoạt động của CLB.

Còn đối với cơ sở vật chất, nhà trường sử dụng trang thiết bị giáo dục được cấp chung từ chương trình mục tiêu quốc gia, thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, tự làm đồ dùng dạy học, sưu tầm tranh ảnh, video trên mạng Internet để phục vụ bài giảng sinh động, phong phú hơn.

Đa dạng hình thức truyền dạy

- Sau khi sơ kết hoạt động của CLB giai đoạn 1, nhà trường đã có những đánh giá cụ thể nào về hiệu quả, chất lượng của việc dạy tiếng nói, chữ viết cho học sinh dân tộc thiểu số?

- Sau khi kết thúc gia đoạn 1, nhà trường đã tổ chức sơ kết để đánh giá về hiệu quả, chất lượng của các CLB. Qua kết quả thực hiện từ cuối tháng 10/2023 đến hết tháng 4/2024, CLB đánh giá, học sinh thuộc đối tượng học tiếng mẹ đẻ đều có ý thức bố trí, sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ các buổi học tập theo lịch của CLB.

Các em chú ý nghe giảng và ghi chép bài, mạnh dạn luyện tập giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ trong quá trình học tập tại CLB cũng như tại lớp học và trong sinh hoạt hằng ngày với các bạn cùng dân tộc.

CLB đã tổ chức kiểm tra, khảo sát kết quả học tập giai đoạn 1 đối với 37/37 học sinh. Các em đều đạt theo đánh giá kĩ năng viết và nói. Bên cạnh đó, các nhóm dân tộc đã và đang tiến hành tập luyện hoạt động văn nghệ mang nét đặc trưng, tiêu biểu để thực hiện nội dung sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, 100% học sinh dân tộc Mông múa thuần thục điệu múa sênh tiền của đồng bào.

bao-thang-5-831.jpg
Việc học tiếng mẹ đẻ, chữ viết dân tộc thiểu số được nhiều học sinh tích cực tham gia.

- Từ những kết quả đạt được, nhà trường định hướng như nào về công tác dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết dân tộc thiểu số cho học sinh trong năm học tới?

- Trong năm học 2024 - 2025, nhà trường tổ chức rà soát số học sinh tuyển mới của 3 dân tộc (Mông, Dao, Tày) để bổ sung vào các lớp, CLB dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết cho học sinh dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện dạy cho những học sinh đã học năm học 2023-2024. Đồng thời, tăng cường luyện viết câu và đoạn văn, tập trung rèn kĩ năng nói thông qua giao tiếp giữa học sinh trong CLB, lớp học và nơi sinh hoạt cộng đồng.

Theo đó, nhà trường sẽ tổ chức cho 100% học sinh dân tộc Mông tiếp tục duy trì điệu múa sênh tiền và tập múa khèn cho học sinh nam. Tái hiện lại một cách chi tiết Lễ hội Gầu Tào. Đây là lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc Mông ở Lào Cai gắn liền với niềm tin về sự ấm no, hạnh phúc. Qua đó, giúp các em hiểu hơn về ý nghĩa của Lễ hội, các em gắn kết với nhau thông qua các nội dung sinh hoạt cộng đồng; các trò chơi dân gian...

Cùng với đó, tổ chức cho học sinh dân tộc Dao sinh hoạt cộng đồng với việc tập luyện, tìm hiểu ý nghĩa lễ hội “Hát qua làng” cảu người Dao Tuyển (hiện đã được tái hiện tại xã Bản Phiệt – Bảo Thắng) và tái hiện lại một cách chi tiết, bài bản Lễ cấp sắc cho con trai đủ từ 10 tuổi trở lên cùng với nhiều các trò chơi dân gian...

Đối với học sinh dân tộc Tày, chúng tôi sẽ tổ chức sinh hoạt cộng đồng với việc tập luyện, tìm hiểu ý nghĩa điệu hát then, hát giao duyên, nghi lễ hát then cổ còn được lưu giữ tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng.

Bên cạnh đó, nhà trường định hướng mở rộng thêm dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh người Nùng.

bao-thang-4-4999.jpg
Học sinh mặc trang phục dân tộc tham gia các hoạt động của nhà trường.

- Cô có thể đánh giá vai trò của việc dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết dân tộc thiểu số cho học sinh? Việc học sinh học và sử dụng tiếng dân tộc trong trường học có được nhà trường khuyến khích?

- Một trong những yếu tố quan trọng, góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, là tiếng nói và chữ viết. Việc dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh đã góp phần hun đúc tình yêu ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ trẻ. Từ đó, chung tay cùng các cấp, các ngành bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số.

bao-thang-3-5086.jpg
Các học sinh tham gia CLB với mục đích giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Nhà trường hoàn toàn ủng hộ việc học sinh sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình trong giao tiếp hằng ngày nhằm mục đích giáo dục các em biết yêu quý và giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình. Tuy nhiên, nhà trường sẽ hướng dẫn các em sử dụng chú trọng trong khoảng thời gian sinh ngoài giờ học chính khoá và tại khu nội trú. Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc) trong giao tiếp hằng ngày sẽ không làm ảnh hưởng đến năng lực sử dụng tiếng Việt của các em.

- Xin trân trọng cảm ơn!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ