Tiếng nói và chữ viết là một trong những yếu tố quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Trước nguy cơ bị mai một, việc bảo tồn, gìn giữ sự đa dạng về tiếng nói, chữ viết đồng bào DTTS luôn được ngành GD&ĐT Lào Cai chú trọng.
Nhằm phát triển giáo dục dân tộc, ngành GD&ĐT tỉnh Lào Cai đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 287 và Kế hoạch 28 về thực hiện Đề án 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh uỷ Lào Cai. Trong đó, tập trung đề án “Phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2021 2025”.
Đồng thời, Sở GD&ĐT Lào Cai đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục học sinh dân tộc hàng năm. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình địa phương, sát đối tượng học sinh. Triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính sách giáo dục dân tộc.
Bên cạnh đó, một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động để bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của DTTS như: Tổ chức dạy học song ngữ cho trẻ mầm non ở huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa; trang trí nhóm lớp có môi trường song ngữ cho trẻ mầm non.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Lào Cai, năm học 2023 - 2024, số cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học trong toàn tỉnh là người DTTS có 1.910 người. Trong đó, giáo viên dạy được tiếng dân tộc có 19 người. Có 3 giáo viên được đào tạo chuẩn để dạy tiếng dân tộc. Đa số giáo viên dạy có kinh nghiệm dạy học, biết tiếng và chữ viết dân tộc.
Tuy nhiên, hầu hết giáo viên đang dạy tiếng dân tộc đều dạy kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chính quy, chỉ được bồi dưỡng theo chương trình ngắn hạn. Cơ sở vật chất phục vụ dạy tiếng dân tộc theo quy định tại Thông tư số 37 của Bộ GD&ĐT vẫn chưa đảm bảo, chưa có nguồn kinh phí đầu tư riêng cho việc cung cấp trang thiết bị phục vụ dạy học tiếng dân tộc thiểu số. SGK phục vụ việc dạy tiếng Mông đã cũ hỏng và thiếu nhiều, các trường phải phô tô sách để học sinh có phương tiện học tập…
Để khắc phục những khó khăn trên, Sở GD&ĐT Lào Cai đã hướng dẫn các phòng GD&ĐT phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học, sưu tầm tranh ảnh, video trên mạng Internet để phục vụ bài giảng sinh động, phong phú hơn.
Một số nhà trường đã tổ chức các câu lạc bộ như câu lạc bộ phát thanh măng non bằng hai thứ tiếng Việt – Mông; mời nghệ nhân đến dạy học sinh các bài hát, ca dao, bài khèn, các phong tục tập quán; tổ chức cho học sinh tham gia các lễ hội của người dân tộc và chia sẻ lại bằng 2 ngôn ngữ.
Đối với những cơ sở giáo dục triển khai thực hiện tiếng DTTS đã tổ chức trang trí trường lớp, khẩu hiệu và tổ chức cho học sinh làm truyện tranh bằng song ngữ (Việt - Mông). Đồng thời, nghiên cứu, khai thác, giới thiệu văn hóa, văn nghệ bằng tiếng nói, chữ viết các dân tộc. Các trường học hiện có phòng truyền thống, phòng nghệ thuật nhằm giới thiệu các sản phẩm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết DTTS trong trường học.