Cùng dự buổi lễ có các Thứ trưở ng Bộ GD&ĐT: Nguyễn Vinh Hiển, Phạm Mạnh Hùng; Ông Trần Sĩ Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cùng đông đảo lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang; Ông Hoàng Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Nguyễn Đức Hiền cùng đại diện Sở GD&ĐT các tỉnh.
100% trường học được kết nối internet bằng cáp quang
“Trường học kết nối” tại địa chỉ: http://truonghocketnoi.edu.vn là hệ thống hỗ trợ tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo qua mạng thông tin trực tuyến.
Theo thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Bộ GD&ĐT và Viettel, từ nay đến năm 2015, 100% cơ sở giáo dục trong cả nước từ bậc học mầm non đến đại học sẽ được Viettel kết nối miễn phí hạ tầng cáp quang, cho phép tiếp cận Internet tốc độ cao, chất lượng ổn định và cùng lúc số lượng lớn người sử dụng.
Viettel sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT đưa ứng dụng công nghệ thông tin một cách thống nhất, toàn diện và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương và các hoạt động GD&ĐT của ngành.
Được biết: Bộ GD&ĐT tạo đã bàn giao tài khoản quản trị cấp Sở và tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, chuyên viên phụ trách mạng của 63 sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố để có thể tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn theo phương pháp mới. Cho đến nay, đã có hơn 16.000 (tương đương 35,8%) cơ sở giáo dục trên toàn quốc đã có đường truyền Internet cáp quang của Viettel.
Đồng hành cùng ngành giáo dục trên đường đổi mới
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã cùng các đại biểu, khách mời ấn nút khai trương chính thức mạng kết nối "Trường học kết nối" trong toàn quốc.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Nghị quyết 29 đã được BCH T.Ư Đảng thông qua đã được một năm; Ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện Nghị quyết quan trọng của Đảng; Đồng thời cũng ý thức sâu sắc rằng: Đây là cơ hội lớn cho ngành GD&ĐT bằng hành động của mình và toàn xã hội dưới sự lãnh của Đảng có thể khắc phục được những khó khăn, bất cập, yếu kém, vượt qua những thách thức, trưởng thành, lớn mạnh để phát triển, đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và yêu cầu của đất nước trong tình hình hiện nay; Toàn ngành GD đã có sự chủ động sáng tạo từng bước triển khai cụ thể, đưa Nghị quyết của T.Ư vào cuộc sống.
Trong quá trình này, chúng ta đã nhận được sự phối hợp, giúp đỡ, chỉ đạo của các cơ quan, bộ ngành và nhiều lực lượng xã hội khác. Trong đó hình ảnh, kết quả phối hợp hợp tác giữa Bộ GD&ĐT với Viettel là một trong những minh chứng sinh động, cụ thể nhất.
Nhân buổi lễ công bố, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã bày tỏ lời tri ân, cảm ơn chân thành tới tất cả các tổ chức cá nhân đã hỗ trợ, giúp đỡ và theo sát những bước đi của ngành GD&ĐT ttrong quá trình đổi mới.
Công cuộc đổi mới đã đơm hoa kết trái
Bộ trưởng nhấn mạnh: Để đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, chúng ta phải tự đổi mới nhận thức và tư duy, tích cực chuẩn bị những điều kiện về nhân tài, vật lực cho việc tổ chức dạy học, thi kiểm tra - đánh giá, tổ chức điều hành toàn ngành GD theo phương án mới.
Đồng thời phải đổi mới nâng cao chất lượng cho các cháu đang học CT giáo dục hiện hành (cả ở Phổ thông, cả ở ĐH) với lực lượng thầy cô giáo, với nhận thức tư duy hiện nay của toàn ngành và của xã hội. Đây là công việc khó khăn, phức tạp và lý thú.
Âm hưởng chung của sự thay đổi lần này là hội nhập quốc tế và ứng dụng CNTT. Trong rất nhiều công việc mà ngành GD&ĐT đã triển khai với Viettel và các lực lượng xã hội khác, có những việc chúng ta đã có những thành quả, trái ngọt.
Có những thành quả lớn như trong các kỳ thi Olympic Quốc tế của học sinh THPT, kết quả của 3 năm trở lại đây, kết quả của đoàn học sinh Việt Nam đều rất cao và ổn định; 100% các cháu tham dự, 100% đoàn dự thi đều đoạt giải, số lượng giải vàng, bạc ổn định; Đây là sự cố gắng của cá các cháu và sự hỗ trợ , chăm sóc của thầy cô và gia đình;
Tuy nhiên trong công tác này có sự thay căn bản của Bộ GD&ĐT trong cách tổ chức kỳ thi HSG quốc gia, tuyển chọn HS đi thi quốc tế, tổ chức đưa học sinh đi thi; Hoặc như việc Bộ quyết định cho học sinh trung học tham gia nghiên cứu khoa học, học và dạy học ở trường phổ thông theo phương án tổ chức dạy - học sáng tạo, tham gia nghiên cứu khoa học quốc tế... theo cách tiếp cận của thế giới đã có những kết quả.
Bên cạnh những công việc đã triển khai và có kết quả, ngành GD có rất nhiều công việc cần triển khai đổi mới đang được làm, nhưng cần phải tiếp tục và kiên trì làm tiếp; phải chờ đợi một thời gian mới có kết quả. Việc ứng dụng CNTT của toàn bộ hoạt động GD vừa có ý nghĩa lâu dài vừa mang tính chiến lược.
Mô hình mới đem lại những thành quả mới
Bộ GD&ĐT và Viettel trước khi kí kết chương trình hành động, hợp tác toàn diện đã có nhiều hoạt động phối hợp, giúp đỡ ngành GD rất nhiều; Nhất là GD vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Với “Trường học kết nối”, chúng ta chính thức hóa một mô hình mới, cách dạy- học mới bên cạnh những cách dạy-học đã có.
Trong cách dạy, cách học mới này sẽ có sự tương tác giữa học sinh, giữa các thầy với nhau cũng như sự tương tác giữa thầy với cán bộ quản lý. Trước mắt là trong nước và lâu dài sẽ là quốc tế.
Công việc này hiện tại được triển khai với nội dung, chương trình, sách giáo khoa hiện hành ở giáo dục phổ thông nhưng việc tổ chức dạy-học, thi cử theo hướng tiếp cận năng lực. Tới đây theo CT, SGK mới thì mạng kết nối này sẽ chuyển tải CT, SGK mới bằng cách dạy, cách học mới phát triển năng lực.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Bằng lễ khai trương hôm nay, thầy và trò toàn ngành GD từng bước cùng nhau tự học hỏi, thay đổi nhận thức vươn lên, tự trưởng thành để sẵn sáng tiếp nhận CT, SGK mới, sẵn sàng dạy – học, đánh giá theo cách mới.
Đoàn tàu giáo dục vẫn phải chạy theo đúng lịch trình nhưng phải thay đổi. Chương trình phối hợp ngày hôm nay giúp chúng ta trưởng thành, thay đổi trong triển khai nghiệp vụ
Bộ trưởng nhắn nhủ: Lễ công bố được triển khai tại Bắc Giang là tỉnh khá tiêu biểu còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được nhiều thành tựu giáo dục.
Tổ chức lễ khai trương tại đây Bộ GD&ĐT muốn truyền đi thông điệp: Dù còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng nếu chúng ta đồng lòng, quyết tâm xử lý vấn đề hiệu quả và tin tưởng lẫn nhau thì không có điều gì khó có thể cản trở.
Đồng thời mong muốn các thầy, các cô trong cả nước làm theo di chúc của Bác: “Dù khó khăn đến đâu cùng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Cùng với đó là trân trọng đón nhận mạng kết nối, sử dụng mạng một cách hiệu quả và thông minh, đem lại kết quả tốt nhất cho mồi thầy, cô, học sinh và mỗi nhà trường.
Mở ra nhiều phương thức hoạt động mới cho GV và HS
Đối với học sinh, trong trang mạng giáo dục này, mỗi học sinh được cấp 01 tài khoản để tham gia các hoạt động học tập do giáo viên xây dựng, tổ chức và quản lí trên mạng.
Học sinh có quyền lựa chọn các bài học cũng như lựa chọn giáo viên trong phạm vi toàn quốc để học trên mạng; được đăng kí học cá nhân hoặc theo nhóm; được trao đổi, thảo luận với nhau và trao đổi với giáo viên để thực hiện các nhiệm vụ học tập; nộp kết quả học tập qua mạng để được giáo viên nhận xét, đánh giá.
Đối với giáo viên, "Trường học kết nối" giúp cho việc đổi mới hình thức tổ chức và quản lí các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và hoạt động sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong nhà trường. Mỗi giáo viên được nhận 01 tài khoản trên mạng, kê khai đầy đủ thông tin cá nhân và được quản lí theo đơn vị công tác.
Nhiều hoạt động chuyên môn được triển khai qua “trường học kết nối”
Sử dụng "Trường học kết nối", Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện việc phân cấp tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn qua mạng đến các Sở, Phòng GD&ĐT - Cơ sở giáo dục để triển khai các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; tổ chức các cuộc thi (Cuộc thi khoa học, kĩ thuật dành cho học sinh trung học; Cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn; Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp…); Hỗ trợ sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn ở trường trung học; tổ chức diễn đàn trên mạng về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; Hỗ trợ thí điểm mô hình trường học mới VNEN; Hỗ trợ dạy học tích cực thông qua một số học liệu điện tử (theo các loại nêu trên).
Với phương thức tổ chức như vậy, hệ thống mạng không chỉ được dùng để tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, mà còn có thể được sử dụng trong quá trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm hay tổ chức các hoạt động dạy học "trải nghiệm sáng tạo" ở trường phổ thông.