Ngôi trường ở “nơi đáng sợ nhất Trái đất”
Ngôi trường này nằm tại Làng Tự do Taesung, một khu định cư tại Khu Phi quân sự (DMZ) tại bán đảo Triều Tiên. DMZ là một dẻo đất hẹp (dài 250 km, rộng khoảng 4 km) chia đôi bán đảo Triều Tiên, được tạo lập theo thoả thuận giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc năm 1953.
Mặc dù xung đột đã ngừng sau hiệp định đình chiến được ký năm 1953, một hiệp ước hoà bình vẫn chưa được ký kết, đồng nghĩa với 2 quốc gia Hàn Quốc - Triều Tiên về mặt kĩ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Trạng thái mong manh đó khiến cựu Tổng thống Bill Clinton từng gọi DMZ là “nơi đáng sợ nhất Trái đất” khi ghé thăm nơi này năm 1993.
Chuyến xe chở học sinh hàng ngày từ Hàn Quốc phải đi qua các hàng rào thép gai, trạm kiểm soát quân sự và hàng rào chống tăng.
Tuy nhiên, học sinh không cảm thấy quá căng thẳng khi vượt qua quãng đường nhiều “chướng ngại vật” như vậy tới trường. Lee Su-jin, một học sinh lớp 4, cho biết, mặc dù học tại trường nằm trong DMZ nhưng không lo lắng gì. “Mọi người lo cho sự an toàn của chúng cháu nhưng binh sĩ luôn bên cạnh và chúng cháu được diễn tập sơ tán trong tình huống khẩn cấp” - cô bé nói - “Vì thế, cháu không nghĩ có điều gì đáng phải sợ hãi hay lo lắng”.
Những người dân Hàn Quốc sống gần biên giới chọn học cho con tại ngôi trường này vì đó là cơ hội tốt để học tiếng Anh từ những binh sĩ Mỹ.
Nhiều điểm khác thường
Trường có 29 học sinh năm 2016. Để được nhận vào học tại ngôi trường miễn phí cả tiền học lẫn bữa ăn, học sinh phải bốc thăm và chờ đợi may mắn.
Tiếng Anh là môn quan trọng trong kỳ thi tuyển sinh đại học tại Hàn Quốc và vì thế một suất học trong trường là mong muốn của nhiều gia đình.
Ban đầu trường này được mở cho con cái những nông dân được phép ở lại trong khu vực DMZ sau chiến tranh. Năm 2008, khi cư dân tại DMZ thưa vắng dần, trường mở cửa với cả trẻ em Hàn Quốc sống bên ngoài DMZ.
Vào lúc đó, binh sĩ Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu (thực hiện nhiệm vụ giám sát an ninh tại DMZ) bắt đầu gửi binh sĩ tới trường dạy tiếng Anh 2 lần/tuần.
Nằm trong khu vực “đặc biệt” nên hoạt động của trường cũng có nhiều khác lạ so với các trường học bình thường.
Về kết cấu xây dựng, mặt Bắc của trường hướng về Triều Tiên được xây bằng gạch cao để ngăn đạn lạc.
Trong lớp học treo các tấm poster mang thông điệp mong muốn hợp nhất 2 miền Triều Tiên.
Giáo viên và học sinh phải rời khỏi trường hàng ngày trước khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ nửa đêm tới 5 giờ sáng.
Cũng có một sự căng thẳng vô hình bao trùm lên ngôi làng nói chung và trường học nói riêng. Tiếng nhạc Triều Tiên văng vẳng vọng qua biên giới, nơi những người nông dân làm việc đồng áng dưới sự giám sát của quân đội.
Trừ khi có sự hộ tống quân sự, học sinh bị cấm ra khỏi khuôn viên trường.