Tháo gỡ chính sách
Theo quy định hiện hành, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học xây dựng không quá 3 tầng (không bố trí trẻ nhà trẻ và trẻ lớp 1 ở tầng trên cùng); với THCS quy định xây không quá 4 tầng. Nếu có nhu cầu xây dựng vượt số tầng như trên (để bảo đảm tỷ lệ diện tích sử dụng) thì báo cáo cấp có thẩm quyền. Điều đó có nghĩa các trường vẫn được phép xây dựng vượt số tầng theo quy định trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xin phép để được nâng tầng trường học là một hành trình dài, gian nan. Như chia sẻ của NGƯT Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục M.V Lômônôxốp, nhà trường khá vất vả và mất nhiều thời gian để xin phép mới được nâng tầng. Tương tự, cũng phải mất vài năm, lãnh đạo hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm mới được được phép nâng tòa nhà lên thành 7 tầng như hiện nay.
“Nhu cầu nâng tầng là cấp thiết, đặc biệt với những trường công lập trong nội thành, trường ngoài công lập có nhiều người học nhưng không đủ vốn để mở rộng quỹ đất” - NGƯT Nguyễn Phú Cường cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, theo ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy, Thái Bình, so với vùng nông thôn, thực tế các trường học ở khu đô thị hay thành phố lớn, diện tích chưa bảo đảm mức tối thiểu, học sinh thiếu chỗ vui chơi và tham gia các hoạt động khác. Vì vậy, nâng tầng cho các trường học là cần thiết.
Theo quy định, tại trường MN và tiểu học, diện tích xây dựng công trình không lớn hơn 40%; sân vườn, cây xanh không nhỏ hơn 40%; giao thông nội bộ không nhỏ hơn 20%. Quy định về diện tích với trường trung học: Diện tích xây dựng công trình không quá 45%; sân cây xanh không nhỏ hơn 30%; sân chơi, bãi tập, giao thông nội bộ không nhỏ hơn 25%. Như vậy, nâng tầng vừa giải quyết được câu chuyện quỹ đất, thậm chí là cơ hội để giáo viên hướng dẫn học sinh cách tự bảo vệ bản thân; hướng dẫn học sinh tự luyện tập nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Không đơn giản
Khẳng định sự cần thiết của việc nâng tầng trường học ở một số nơi đặc thù, NGƯT Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng: Việc nâng tầng không đơn giản, ngay cả khi đã được cấp phép. Lý do, nâng tầng phải tính toán nhiều thông số, với yêu cầu bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Ví dụ, phải khảo sát móng, gia cố móng thật vững chắc, đặc biệt những trường đã xây dựng từ lâu; rồi thiết kế việc thoát hiểm, phòng cháy, chữa cháy… Nâng tầng nhưng nhất thiết vẫn phải đầy đủ tiện nghi, đặc biệt là đủ nhà vệ sinh, chứ không phải chỉ chú trọng mở thêm lớp học.
Không chỉ lưu ý đến tính an toàn, theo ông Đỗ Trường Sơn, khi phê duyệt, cần đặc biệt lưu ý đến tỷ lệ diện tích công trình xây dựng, cây xanh, sân chơi, bãi tập vì trên thực tế, nhiều đơn vị thiếu sân chơi, bãi tập cho học sinh. Cùng với đó, cần điều chỉnh diện tích phòng học. Hiện nay, phòng học không chỉ là nơi học tập mà còn để các trang thiết bị phục vụ dạy học, thậm chí cả vật dụng bán trú đối với trường học 2 buổi/ngày, có ăn bán trú nhưng chưa có khu bán trú riêng.
Liên quan đến nội dung này, ngày 28/9/2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 4470/BGDĐT-CSVC, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Văn bản này ghi rõ: Đối với cơ sở giáo dục tại các quận nội thành thuộc thành phố lớn đông dân cư, nếu thiếu phòng học, tùy từng trường hợp cụ thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có bảo đảm đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành.
Sau khi thực hiện nâng tầng các công trình, phải bố trí phòng học và các phòng phục vụ trực tiếp học sinh ở các tầng thấp theo quy định; khu hiệu bộ, khu hành chính, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên được bố trí tại tầng cao.
Nâng tầng hay không tuỳ thuộc vào quỹ đất các trường. Nếu đủ nên xây thêm phòng học ở quỹ đất đã có, tạo không gian hài hoà cho các nhà trường. Nếu không có quỹ đất mà muốn tăng phòng học chắc chỉ còn cách nâng tầng hoặc làm tầng ngầm. Làm như thế nào, cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp để xem xét quy hoạch, xây dựng các nhà trường phù hợp với nhu cầu về giáo dục ở các địa phương. - Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội)