Trường học Đà Nẵng 'đau đầu' xếp lịch dạy bù

GD&TĐ - Đêm muộn ngày 12/11, Sở GD&ĐT Đà Nẵng có công văn thông báo học sinh toàn thành phố nghỉ học ngày 13/11.

Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt trong 1 tiết học. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt trong 1 tiết học. Ảnh: NTCC

Đây là lần thứ tư học sinh Đà Nẵng phải nghỉ học do mưa lớn trong chưa đầy một tháng. Các trường học đã lên kế hoạch dạy bù nhằm đảm bảo kiến thức cho học sinh và khung thời gian năm học.

Không cắt xén kiến thức

Trường Tiểu học Hồng Quang (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có số ngày nghỉ học nhiều nhất trong các trường học ở Đà Nẵng. Ngoài số ngày nghỉ học chung với học sinh toàn thành phố, từ ngày 12 - 17/10, Trường Tiểu học Hồng Quang còn nghỉ thêm ngày 8/11 do bị ngập nước cục bộ.

Cô Lê Anh Đào - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Quang cho biết: “Học sinh khối lớp 1 - 4 hiện nay học 10 buổi/ngày nên không thể tổ chức dạy bù vào ngày cuối tuần. Nhà trường phải điều chỉnh kế hoạch dạy học để có thể dạy bù lượng kiến thức của số ngày nghỉ học trong một khoảng thời gian nhất định chứ không thể dồn một lúc”. Trước mắt, nhà trường sử dụng các tiết học không thể tổ chức được trong thời tiết mưa gió như môn Thể dục, sinh hoạt dưới cờ để dạy bù.

Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hồng Quang cùng họp với các tổ chuyên môn để hướng dẫn giáo viên các lớp chủ động điều chỉnh kế hoạch môn học, lựa chọn nội dung kiến thức dạy bù cho những tiết rơi vào ngày học sinh nghỉ học.

“Ví dụ có những chủ đề ở môn Đạo đức nội dung trùng với môn Khoa học tự nhiên thì giáo viên tổ chức dạy học tích hợp theo chuyên đề. Những tiết dôi ra của môn học này, giáo viên có thể bố trí dạy các môn còn thiếu tiết”, cô Đào cho biết. Tuy nhiên, trong kế hoạch dạy bù, giáo viên phải đảm bảo học sinh học đủ mạch kiến thức, nội dung dạy học và không cắt xén chương trình.

Tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), môn học, số tiết thiếu của các lớp là khác nhau. “Hiện nhà trường chưa thể thống kê số tiết thiếu của từng lớp, giáo viên do thời khóa biểu thường xuyên thay đổi để phù hợp với tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, thời khóa biểu ngày thứ 2 mất tiết nhiều nhất. Chưa kể các lớp khối chiều còn lệch hơn so với khối sáng 1 buổi vì có một ngày thành phố cho học sinh khối chiều nghỉ học”, cô Hiệu trưởng Trần Thị Minh thông tin.

Trường THCS Lý Thường Kiệt dự kiến sử dụng tiết sinh hoạt cuối tuần của giáo viên chủ nhiệm để dạy bù. “Có nhiều giáo viên chủ nhiệm dạy môn Toán, Văn, Anh văn. Các môn học này có số lượng tiết nhiều nên cũng thiếu nhiều. Với giáo viên chủ nhiệm không phải bù giờ thì chủ động thông báo cho giáo viên bộ môn còn thiếu tiết để đăng ký dạy”.

Giáo viên Trường Tiểu học Hồng Quang dọn dẹp bùn non đọng lại lớp học sau khi lũ rút. Ảnh: PV

Giáo viên Trường Tiểu học Hồng Quang dọn dẹp bùn non đọng lại lớp học sau khi lũ rút. Ảnh: PV

Linh hoạt dạy bù trực tiếp – trực tuyến

Cô Trần Thị Minh cho biết, trước khi kiểm tra học kỳ I, nhà trường yêu cầu giáo viên thống kê số lượng tiết bị “mất” nhiều nhất mà chưa thể bù. Căn cứ trên số liệu này, Ban Giám hiệu Trường THCS Lý Thường Kiệt có sắp xếp phù hợp. Với môn học bị trống tiết nhiều quá, sẽ tổ chức cho các lớp học bù vào ngày thứ 7. Cũng có phương án khác là học sinh học bù trái buổi, sau tiết học môn Thể dục hoặc Tin học, tùy từng lớp.

Riêng khối lớp 9 Trường THCS, do kiểm tra cuối kỳ với lịch chung học sinh toàn thành phố theo đề của sở GD&ĐT nên sẽ phải xin giờ các môn đã thi học kỳ sớm như Giáo dục công dân, Công nghệ để dạy bù.

Ngoài tổ chức dạy bù trái buổi khi học sinh học các tiết Giáo dục địa phương, Mỹ thuật, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) dự kiến sau 20/11 tổ chức dạy bù vào ngày thứ 7.

Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu) lên kế hoạch dạy bù trong 1 tuần, tổ chức trái buổi. Chia sẻ của thầy Phan Quốc Duy - Phó Hiệu trưởng nhà trường: “Trường đang lấy danh sách giáo viên thiếu tiết, sau đó tổ chức học bù trái ca để đảm bảo thời khóa biểu chính khóa. Khi có thống kê số tiết học, môn học mới có thể sắp xếp lịch học, phòng học bù. Trường hợp thiếu phòng học do số lớp học bù đông, nhà trường tổ chức dạy bù theo hình thức trực tuyến. Riêng khối lớp 12 sẽ ưu tiên tổ chức dạy bù theo hình thức trực tiếp”.

Hầu như năm nào, thành phố Đà Nẵng cũng phải cho học sinh nghỉ học vì bão, lũ. Những năm học trước, trong công văn cho học sinh nghỉ học do thiên tai sẽ kèm nội dung đề nghị các trường phải lên lịch dạy bù cho học sinh. Tuy nhiên với Chương trình GDPT 2018, các trường chủ động lên kế hoạch tổ chức dạy học để đảm bảo khung thời gian năm học. Ban giám hiệu các trường học linh hoạt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch giáo dục, tổ chức dạy học với hình thức phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện chương trình năm học 2023 - 2024 theo quy định, thích ứng với tình hình thời tiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.