Một thực tế mà những người làm giáo dục chúng ta không thể bỏ qua là môi trường sống và làm việc của thế kỷ 21 đã hoàn toàn thay đổi so với những gì mà thế hệ chúng ta đã trải qua.
Nhân loại đang bước vào một thời kỳ với những biến động lớn, liên tục và không lường trước do tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Chưa bao giờ kiến thức lại bị lỗi thời nhanh chóng như hiện nay. Vòng đời của các sản phẩm trở nên ngày càng ngắn.
Trẻ em thế kỷ 21 sẽ phải đối mặt với một thực tế rất phũ phàng là sẽ không còn cái gọi là một công việc cho cả đời, có khi chưa kịp đào tạo xong một nghề thì nghề đó đã có thể biến mất đi vì sự thay thế nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo. Phi công có khi chưa ra trường có khi đã bị thay thế bởi máy bay tự động. Người ta đã nói đến đưa trí tuệ nhân tạo thay thế bác sĩ ở những nơi vùng sâu vùng xa, khi người bệnh chỉ cần cung cấp các triệu chứng bệnh là bác sĩ nhân tạo có thể đưa ra những lời khuyên hay đơn thuốc cho bệnh nhân. Ngay cả nhân viên tín dụng cũng có thể được thay thế bởi các thuật toán với khả năng đánh giá tiềm năng của khách vay còn tốt hơn cả chính con người.
Chúng ta chưa thể hình dung ra hết cuộc sống đó tác động đến con người như thế nào, tuy nhiên một điều chắc chắn là áp lực đối với công dân của thế kỷ 21 sẽ lớn hơn bất kể thời kỳ nào ông cha họ đã trải qua. Các bậc cha mẹ ngày nay sẵn sàng đầu tư một gia tài lớn cho con cái mình để các em học thành tài, nhưng liệu những kiến thức trẻ tiếp nhận được tại trường học có còn được dùng đến khi trẻ bước vào lực lượng lao động hay không thì chưa ai nói chắc được. Trong một hoàn cảnh như vậy, những người làm giáo dục chúng ta phải làm gì? Trẻ cần phải được chuẩn bị những gì để đối phó tốt nhất cho một tương lai khó lường như vậy?
Các nhà giáo dục trên thế giới đã đưa ra 5 yếu tố cần thiết nhất cho những con người trẻ bước vào thế kỷ 21, bao gồm: (1) Kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, (2) Kỹ năng tư duy phản biện, (3) Khả năng sáng tạo, (4) Kỹ năng quản lý cuộc sống, (5) Kỹ năng hợp tác. Tại sao những kỹ năng này lại quan trọng?
Điều đầu tiên chúng ta nhận thấy là những yếu tố quan trọng nhất ở đây không phải là khối lượng kiến thức mà lại là những kỹ năng mềm, những kỹ năng tối cần thiết giúp con em chúng ta đối phó với những thách thức chưa từng biết đến của thế kỷ này. Thanh niên thế kỷ 21 sẽ phải chấp nhận việc học tập cả đời, bởi không tiếp tục cập nhật kiến thức mới sẽ đồng nghĩa với việc tái mù chữ khi công nghệ thay thế ra đời liên tục.
Như vậy những gì nhà trường giúp chuẩn bị cho các em học sinh chắc chắn không thể dừng lại ở việc “chuyển giao" khối lượng kiến thức, nhà trường bắt buộc phải là nơi rèn luyện và phát triển tư duy độc lâp cho trẻ, bao gồm tư duy phản biện, tư duy giải quyết các vấn đề phức tạp, tư duy sáng tạo, dạy các em biết cách sử dụng kiến thức và trí tuệ của mình để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, biết đặt câu hỏi nào để tìm ra các manh mối, biết phản biện thế nào để có thể nhìn thấy vấn đề từ nhiều chiều. Một thói quen sử dụng tư duy tất yếu sẽ dẫn đến thói quen sáng tạo, vì sáng tạo chẳng qua là một cách vận dụng những gì đã biết để đưa ra một giải pháp mới.
Một điều rất thú vị là trẻ em được học với phương pháp này không những trở thành những đứa trẻ hoạt bát, chủ động, nhanh nhẹn trong mọi mặt của đời sống, mà đó còn là những em bé thích đến trường và rất yêu trường học. Điều này đã được chứng minh qua thực tế của các em học sinh SenTia, ngôi trường mà tôi cùng các đồng nghiệp chuyên gia giáo dục Việt Nam đã xây dựng chương trình học dựa trên những đòi hỏi thực tế của của thế kỷ 21 sao cho mọi nguồn lực và khoảng thời gian quý báu của các em với nhà trường đều được sử dụng hiệu quả nhất cho tương lai của các em.
Các giáo viên của chúng tôi được đào tạo để thiết kế bài giảng sao cho đó là một quá trình thầy trò cùng khám phá một vấn đề nào đó. Cách học này giúp các em thích thú và hào hứng với mỗi vấn đề mới đặt ra. Thay vì tiếp nhận kiến thức như một bài học thụ động, trẻ sẽ cảm thấy việc tìm hiểu kiến thức cũng như một trò chơi khám phá. Các giáo viên thay vì chuẩn bị một cách giảng dạy duy nhất, sẽ phải có cách tiếp cận từ nhiều phía, để trẻ hiểu rằng kiến thức có thể được tiếp cận từ đa chiều. Điều này giúp cả cô và trò cùng thấy thú vị với các bài học mỗi ngày và nó làm cho trường học trở nên sinh động như một nơi mà các trò chơi trí tuệ liên tục diễn ra hàng ngày.
Cách học này không những mang lại những lợi ích về tư duy cho trẻ, mà điều quan trọng hơn cả là nó hình thành cho các em một nhân sinh quan đối với tri thức, giúp các em hiểu rằng không có vấn đề nào là không có cách giải quyết, dù lúc ban đầu nó có vẻ khó đến đâu. Kiến thức sẽ không còn là một gánh nặng học tập nữa mà sẽ trở thành một điều gì đó rất thú vị chờ đón các em khám phá. Điều này tưởng như rất đơn giản nhưng lại đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các em đón nhận những áp lực trong thế kỷ 21 một cách vui vẻ nhất khi các em phải đối mặt với việc tái đào tạo nghề liên tục.
Cách thức tổ chức cuộc sống học đường cũng là một yếu tố giúp các em hình thành “kỹ năng quản lý cuộc sống” và “kỹ năng hợp tác" – hai kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21, một cách rất tự nhiên thông qua làm việc nhóm, hoc cách trình bày và thuyết phục các bạn và thày cô về ý tưởng của mình, biết lắng nghe ý kiến của bạn, biết đóng góp vào mục tiêu chung.
Nhà trường hoàn toàn có thể tổ chức cho việc học tập diễn ra một cách tự nhiên như cuộc sống, với những công việc hàng ngày cần phải bắt tay vào giải quyết, với những nhiệm vụ chúng ta cần phải chia nhau gánh vác, với những mục tiêu chung ngắn hạn và dài hạn chúng ta cùng phải chung tay đạt được.
Trẻ em từ một môi trường học bận rộn như vậy sẽ ít bị choáng ngợp khi chúng bước ra thế giới thật bên ngoài. Vì thói quen tư duy, và hợp tác để cùng nhau giải quyết vấn đề đã trở thành một phần của cuộc sống của trẻ từ rất lâu rồi.
Gia đình và nhà trường, chúng ta cùng nhau chia sẻ 12 năm quý giá để chuẩn bị cho con em chúng ta sao cho chúng có thể bước vào thế kỷ 21 trong một tâm thế sẵn sàng nhất, hào hứng nhất để khám phá cuộc đời đầy thử thách nhưng cũng đầy thú vị của mình. Nên chăng chúng ta hãy dành thời gian để nhìn lại, hoạch định lại để làm thế nào dùng khoảng thời gian đó một cách hữu hiệu nhất. Con cái chúng ta có thành đạt và hạnh phúc hay không sẽ phụ thuộc vào tầm nhìn và quyết định của bố mẹ và nhà trường của các em ngay từ ngày hôm nay.