Nhiều nội dung được trao đổi, trong đó có công tác phòng chống dịch; việc triển khai hoạt động dạy học, gồm dạy học qua internet, trên truyền hình; chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng khi học sinh đi học trở lại...
Tiếp tục nỗ lực “tạm dừng đến trường, không dừng học”
Chia sẻ về công tác chỉ đạo, triển khai phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của ngành Giáo dục, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết:
Với quan điểm luôn đặt sự an toàn của học sinh, sinh viên, nhà giáo, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục lên trên hết, Bộ GD&ĐT đã ban hành kịp thời 46 văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục và các đơn vị trực thuộc Bộ từ công tác phòng, chống dịch đến việc điều chỉnh chương trình, hướng dẫn dạy học cho phù hợp với tình hình thực tiễn dịch bệnh. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời địa phương triển khai các nhiệm vụ giải pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh tại các thời điểm.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng, ban hành hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình đảm bảo tinh gọn, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo chuẩn đầu ra của chương trình áp dụng cho học kỳ II năm học 2019-2020. Ban hành kịp thời hướng dẫn tinh giản Chương trình giáo dục phổ thông học kì II năm học 2019-2020 để các địa phương kịp thời triển khai. Tập hợp và tiến hành thẩm định các bài giảng trên truyền hình để phát trên kênh truyền hình quốc gia, giúp giáo viên tham khảo, học sinh học tập, bảo đảm công bằng trong giáo dục, đặc biệt với các vùng khó khăn.
Đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cũng đã được Bộ GD&ĐT công bố, phù hợp việc tinh giản nội dung, làm cơ sở cho giáo viên và học sinh yên tâm, ôn luyện.
Để tránh tình trạng kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội không trong chương trình giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua internet, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 1247/BGD&ĐT-GDCTHSSV về tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua internet…
Tại cuộc họp, các sở GD&ĐT đánh giá cao công tác chỉ đạo sát sao của Bộ GD&DT trong thời gian vừa qua, tạo thuận lợi rất lớn cho các địa phương.
Theo lãnh đạo các sở GD&ĐT dự họp, thời gian qua, bên cạnh quyết liệt thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, địa phương cũng nỗ lực để học sinh không dừng học dù tạm dừng đến trường - bằng nhiều phương thức, trong đó đặc biệt là tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình.
Mặc dù còn không ít khó khăn, như thiếu thiết bị học tập; hạ tầng internet còn hạn chế; nhiều giáo viên chưa thích ứng việc ứng dụng CNTT để dạy học trực tuyến, theo dõi quá trình học tập của học sinh; khó về kinh phí tổ chức xây dựng các chương trình dạy học trên truyền hình; ý thức chủ động học tập của học sinh... tuy nhiên, việc dạy học qua internet, trên truyền hình được triển khai hết sức nghiêm túc. Các địa phương đã nỗ lực có những giải pháp để khắc phục khó khăn này, giúp nhiều học sinh nhất có thể không dừng học, dù tạm dừng đến trường.
Đặc biệt, nhiều địa phương thông tin dự kiến đề xuất sẽ cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 5 tới, cùng những giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi trở lại trường; nỗ lực để có thể hoàn thành chương trình học trước 15/7.
5 yếu tố quyết định thành công trong dạy học trực tuyến
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, đặc biệt trong triển khai dạy học qua internet, trên truyền hình, đáp ứng mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Theo Thứ trưởng, ở bậc ĐH, dạy học trực tuyến đã được tiếp cận từ lâu, nhưng với bậc phổ thông đây là việc mới; và dù là giải pháp tình thế trong tình hình dịch bệnh, nhưng quá trình triển khai đã bước đầu có kết quả, đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
“Các địa phương, nhất là địa phương khó khăn đã thể hiện quyết tâm rất lớn, tiếp cận nhanh với yêu cầu mới, 70-80% học sinh bậc THPT ở các địa phương khó khăn được học trực tuyến, học qua truyền hình là con số cho thấy nỗ lực lớn của các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên và học sinh” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ
Có 5 yếu tố quyết định thành công trong dạy học trực tuyến được Thứ trưởng đưa ra, trong đó trước hết là cơ sở hạ tầng, từ máy tính, phần mềm, đến đường truyền. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông để có thể hỗ trợ địa phương. Các địa phương cần rà soát, phân loại học sinh để đưa ra những phương án dạy và học phù hợp, học sinh nào được học trực tuyến đều đặn, chưa đều hoặc chưa được học thì phải có phương án án dạy bù khi các em quay lại trường học.
Yếu tố thứ hai là công tác quản lý chỉ đạo. Theo Thứ trưởng, sự quyết liệt trong quản lý, theo dõi, động viên, ghi nhận trong thời điểm khó khăn sẽ tạo động lực cho học sinh, giáo viên. Lãnh đạo sở GD&ĐT và hiệu trưởng nào tâm huyết sẽ triển khai thành công. “Hiệu trưởng cần quán triệt đây là nhiệm vụ để không có tâm lý vì nghỉ dạy mà làm việc với tinh thần không cao” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng thứ ba trong triển khai dạy học trực tuyến. Để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT sẵn sàng giới thiệu và hỗ trợ đội ngũ chuyên gia để bồi dường trực tuyến cho giáo viên các địa phương.
Có hạ tầng tốt, người quản lý quyết liệt, giáo viên chất lượng, tâm huyết nhưng học sinh thiếu động lực học tập, phụ huynh thiếu sự chia sẻ, hỗ trợ thì quá trình triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình không thể thành công. Đây cũng hai yếu tố cuối cùng được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề cập. “Học sinh phải có ý thức tự học, nhất là các em cuối cấp. Phụ huynh học sinh cần động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em học tập” - Thứ trưởng nói.
Trường học có an toàn mới cho học sinh đi học
Liên quan đến vấn đề học sinh đi học trở lại, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, đây là việc cần được tính toán, xem xét rất kỹ dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Thứ trưởng gợi ý, các địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ cao theo khuyến nghị của Thủ tướng Chính phủ, cần xem xét, cân nhắc; địa phương nguy cơ thấp có thể xem xét đề xuất UBND tỉnh cho học sinh đi học trở lại.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Học sinh đi học phải an toàn, trường học có an toàn mới cho học sinh đi học. Các địa phương có thể tính toán để học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước, các lớp khác học sau; cũng không nhất thiết phải xếp lịch học cả tuần mà có thể xếp học 3 buổi/tuần, đan xen thực hiện dạy học trực tiếp và trực tuyến. Ở mỗi lớp học cũng có thể tách đôi số lượng học sinh để bố trí giảng dạy; kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến…
Thứ trưởng cũng lưu ý, trên tinh thần nội dung dạy học đã tinh giản, các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo đúng thời gian và chương trình đã tinh giản, đồng thời tổ chức dạy học và ôn tập sao cho phù hợp. Quyết tâm để có thể hoàn thành chương trình trước 15/7, đặc biệt với học sinh khối 12.
Với kỳ thi THPT quốc gia, tại cuộc họp, nhiều lãnh đạo sở GD&ĐT nêu mong muốn vẫn tổ chức thi. Việc giữ ổn định kỳ thi tránh được nhiều xáo trộn, đặc biệt với học sinh. Hiện nay, số lượng học sinh có nhu cầu thi ĐH rất lớn. Nếu không tổ chức thi THPT quốc gia, các em sẽ phải đến thành phố lớn để dự thi tại các trường ĐH, như vậy áp lực và căng thẳng, tốn kém. Về nội dung này, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT tính toán để có phương án phù hợp cho mọi tình huống.