Trường học Anh trong “cuộc chiến” chống nạn béo phì ở trẻ

GD&TĐ - Trường học không phải là một “viên đạn bạc” để giải quyết vấn đề béo phì ở trẻ em. Người đứng đầu của Ofsted (Văn phòng tiêu chuẩn giáo dục của Anh quốc) nhấn mạnh như vậy trong một báo cáo vừa công bố.

Trường học Anh trong “cuộc chiến”  chống nạn béo phì ở trẻ

Phân định rõ trách nhiệm

Nghiên cứu Ofsted được thực hiện trên cơ sở khảo sát từ 60 trường tiểu học khắp nước Anh, đã không tìm thấy mối liên hệ nào giữa nỗ lực của các trường trong việc giải quyết béo phì với cân nặng của HS.

Những nhân tố bên ngoài cổng trường đã khiến trường học không thể có một tác động trực tiếp và đo lường được đối với cân nặng của trẻ em - bà Amanda Spielman, Thanh tra trưởng trường học, cho biết. Mặc dù vậy, theo bà, các trường vẫn có vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống lại béo phì.

Ofsted xem xét các cách tiếp cận của một nhóm 60 trường tiểu học được lựa chọn một cách cẩn thận trên toàn nước Anh, nhằm so sánh những nơi có tỉ lệ HS béo phì cao hơn với những nơi có tỉ lệ HS béo phì tương đối thấp. Báo cáo xem xét cách thức các trường đang thực hiện nhằm ngăn chặn béo phì và cổ vũ lối sống lành mạnh trong HS và phụ huynh, nhưng không tìm thấy “cơ sở để cho rằng các can thiệp này dẫn đến tỉ lệ béo phì cao hay thấp”.

Trong bình luận cá nhân về kết quả của báo cáo, bà Spielman đưa ra ý kiến: “Người ta kỳ vọng trường học làm nhiều thứ hơn là chỉ có GD… Khi phải đối diện với một xu hướng đáng lo ngại đang đe dọa trực tiếp đến tương lai của trẻ em, mong muốn có thể tìm được cách để ngăn cản nó là điều có thể hiểu được… Tuy nhiên, việc tập trung vào các hoạt động khác ngoài giáo dục tiềm ẩn rủi ro, trường học vừa không giúp HS giảm béo phì, tăng cường sức khỏe vừa không dạy được các em điều các em cần biết”. 

Trẻ cần được vận động nhiều hơn

Trên cơ sở kết quả khảo sát, báo cáo của Ofsted khuyến nghị, các trường học nên đảm bảo rằng HS khi đến trường sẽ được đảm bảo các quyền lợi sau: Học về cơ thể trong môn giáo dục thể chất (GDTC) và khoa học về ăn uống và nấu nướng lành mạnh; Tập thể dục đầy đủ, bao gồm nhiều bài tập vận động khiến họ phải tiêu tốn sức lực tối đa; Nắm được các kỹ năng sống như nấu ăn, chơi thể thao và khiêu vũ… Thêm vào đó, Ofsted cũng đưa ra lời khuyên rằng, các bậc cha mẹ cần thường xuyên cập nhật về phát triển thể chất ở con em mình.

Khảo sát của Ofsted chỉ ra một thực trạng rằng hiện tại cứ 3 HS ở Anh thì có 1 em bị thừa cân hoặc béo phì khi mới 11 tuổi. Chính phủ Anh mong muốn tất cả các trường tiểu học giới thiệu chương trình “active mile” (tạm dịch “dặm hoạt động”) hàng ngày cho HS, để đảm bảo các em được hoạt động ít nhất 60 phút một ngày.

Trong tháng 6 vừa qua, chính phủ Anh đã đưa ra Chương trình hành động chống béo phì ở trẻ em phiên bản mới; trong đó có việc cấm bán kẹo và đồ ăn vặt gây béo tại quầy thu ngân siêu thị, cũng như kiểm soát việc hạn chế các quảng cáo đồ ăn vặt.

Ali Oliver, điều hành chính của Youth Sport Trust, cho rằng, báo cáo đã chỉ ra một cách rõ ràng tầm quan trọng của GDTC trong trường học. Theo bà, báo cáo này gửi đi một thông điệp quan trọng về các cơ hội mà trường học phải nắm lấy, bao gồm từ việc đưa vào nhiều hơn các hoạt động GDTC trong trường đến việc hợp tác chặt chẽ hơn với phụ huynh.

Tuy vậy, Hiệp hội quốc gia các hiệu trưởng (National Association of Head Teachers) lại cảnh báo rằng tổ chức này đang rất căng thẳng vì áp lực cắt giảm tài chính và tập trung quá mức vào kết quả thi. Geoff Barton, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà lãnh đạo trường học và cao đẳng (Association of School and College Leaders) thì nói hiệp hội đồng ý rằng việc mong đợi các trường giải quyết vấn đề béo phì ở trẻ em cần phải thực tế.

“Cả xã hội cần phải hành động để tìm ra giải pháp cho vấn đề phức tạp và đầy thách thức này” - ông Barton nêu quan điểm.

Theo bà Spielman, cần phải nhận ra việc trường học không thể cung cấp một “viên đạn bạc” để giải quyết tất cả các căn bệnh của xã hội. Giáo viên và lãnh đạo các trường đã quá áp lực, họ không nên bị buộc phải chịu trách nhiệm cho một vấn đề đòi hỏi hành động phối hợp của nhiều bên. Thay vào đó, các trường nên tập trung vào việc triển khai một chương trình học có thể cung cấp cho HS kiến thức cơ bản về sống khỏe mạnh và kỹ năng để đạt được điều đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.