Trường học “2 trong 1”: Vừa dạy học, vừa bảo đảm an toàn

GD&TĐ - Để bảo đảm công tác phòng chống dịch, ngành Giáo dục ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCLÐ) tạo điều kiện cho địa phương trưng dụng trường học làm khu cách ly.

Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) vừa dạy online, vừa nhắc HS phòng dịch.
Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) vừa dạy online, vừa nhắc HS phòng dịch.

Vừa tổ chức dạy học online, nhà trường còn kết hợp với phụ huynh nhắc nhở công tác phòng dịch cho học sinh. 

Khẩn trương hỗ trợ địa phương

Rất nhiều trường học ở ĐBSCLÐ được trưng dụng làm khu cách ly người về từ TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Theo thống kê, đầu tháng 10 đến nay, có hàng trăm nghìn người tự phát về các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, nhiều nhất là Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cà Mau... mỗi tỉnh từ 10.000 đến 50.000 người.

Tình thế này buộc các địa phương tiếp tục trưng dụng trường học làm khu cách ly. Nhiều trường vừa mới khử khuẩn, dọn vệ sinh để chuẩn bị đón học sinh nay tiếp tục được trưng dụng. Dù bất ngờ nhưng ngành Giáo dục, nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi, cùng địa phương triển khai công tác phòng chống dịch.

TP Cần Thơ đã kích hoạt 35 khu cách ly với khoảng 6.000 giường. Đến chiều 4/10, có 4 khu cách ly tập trung đã lấp đầy, nhiều trường học vừa trả lại thì tiếp tục trưng dụng. Điển hình như Trường THPT Thốt Nốt, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) vừa khử khuẩn, dọn dẹp chưa kịp đón học sinh đã nhận lệnh trưng dụng làm khu cách ly.

Theo thầy Tăng Văn Chín, Hiệu trưởng nhà trường, trước đó, Sở GD&ĐT lấy ý kiến cho học sinh trở lại học trực tiếp. Tuy nhiên, phương án chính thức chưa có, nhà trường vẫn triển khai học online thì nhận thông tin trưng dụng làm khu cách ly. Khi trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, nhà trường đã mượn một điểm trường tiểu học để tiếp tục hoạt động.

Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) được bàn giao lại gần 2 tuần. Sau khi tổ chức vệ sinh trường lớp, rà soát trang thiết bị dạy học, địa phương yêu cầu hỗ trợ trưng dụng làm điểm cách ly lần 2.

“Trong điều kiện bình thường mới, nhà trường chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, địa phương tiếp nhận một lượng lớn người dân tự phát trở về, không đủ địa điểm cách ly, nhà trường phải hỗ trợ hết mình cho địa phương trong công tác phòng dịch. Khó khăn trước mắt là sau khi hoàn trả, nhà trường phải tổ chức lại công tác vệ sinh và rà soát cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn mới cho học sinh trở lại trường”, thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Để tiếp nhận và cách ly công dân trở về địa phương, tỉnh Cà Mau tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của các trường học làm khu cách ly tập trung. Theo ngành Giáo dục địa phương, việc trưng dụng trường làm khu cách ly không gây khó khăn nhiều cho các trường học, do học sinh chưa đi học trở lại.

Một số trường học thiếu khu nhà vệ sinh, điện, nước, camera giám sát cũng được tỉnh hỗ trợ lắp đặt… Theo thầy Trần Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tân Lộc (huyện Thới Bình, Cà Mau), trường đã bàn giao 24 phòng học cho địa phương làm khu cách ly đón bà con từ vùng dịch. Trước khi bàn giao, nhà trường cũng dọn dẹp toàn bộ khuôn viên, các phòng đều khử khuẩn bằng hóa chất.

Tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), địa phương đã trưng dụng trường học làm khu cách ly ở 6 xã và 2 thị trấn. Các trường được trưng dụng chủ yếu là trường mầm non, tiểu học và THCS với hơn 120 phòng sử dụng cho gần 800 người. Ông Phạm Hoàng Gan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay: Đến ngày 4/10, toàn tỉnh có 129 trường học được sử dụng làm khu cách ly (trong đó có 18 trường mầm non, 46 tiểu học, 48 THCS, 16 THPT và 1 trung tâm GDTX).

Một trường tiểu học ở TP Sóc Trăng được trưng dụng làm khu cách ly.
Một trường tiểu học ở TP Sóc Trăng được trưng dụng làm khu cách ly. 

Tăng cường nhắc học sinh phòng dịch

Lượng người từ vùng dịch trở về quê rất lớn nên nguy cơ lây lan cao, đặc biệt là trường hợp cách ly tại nhà. Trong khi học sinh chưa trở lại lớp, nhà trường, giáo viên vừa phải dạy học online, vừa kết hợp với phụ huynh nhắc nhở phòng dịch cho con em.

Là địa phương dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, nay lượng người ngoài tỉnh trở về rất nhiều nên cô Lê Ngọc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) khá lo lắng. Theo cô Phương, người dân từ vùng dịch trở về có nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Nhà trường nhắc nhở cán bộ, giáo viên, nhân viên tăng cường công tác phòng dịch.

Đặc biệt nhắc phụ huynh, học sinh đảm bảo 5K, hạn chế ra đường; Lưu ý học sinh không đến chơi khu vực tập trung người cách ly như bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Học sinh ở các khu vực có nguy cơ cao phải tham gia xét nghiệm cộng đồng, luyện tập thể thao, ăn ngủ điều độ để tăng cường sức khỏe…

Ở địa phương có đông người dân trở về quê trong mấy ngày qua, thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) trong tiết dạy không quên nhắc học sinh phòng dịch. Theo thầy Sa Quên, nghỉ học mấy tháng nay, giáo viên, học sinh rất mong ngày trở lại trường. Nay, các trường phải nhường lại để làm nơi cách ly cho bà con về quê nên thầy trò tiếp tục gặp nhau qua màn hình.

“Vừa dạy học online, tôi vừa nhắc các em không chủ quan, phải tuân thủ nghiêm quy định về phòng dịch. Em nào có người trong gia đình từ vùng dịch trở về phải khai báo, sàng lọc, cách ly đúng quy định. Tất cả phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để tình hình được kiểm soát, sớm trở lại trường lớp”, thầy Sa Quên chia sẻ.

Trường học ở địa phương tiếp nhận cách ly nhiều người về từ TPHCM, Bình Dương khiến nhiều phụ huynh lo lắng. “Gia đình tôi lo nhất là dịch bệnh bùng phát trở lại, việc học hành của con em tiếp tục bị chậm trễ. Có phụ huynh lo ngại trường học làm khu cách ly khi con em trở lại học liệu có an toàn… Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên hệ với phụ huynh. Vừa nhắc nhở trong việc cho con học online lẫn phòng dịch. Nhờ đó, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn”, phụ huynh  Trần Văn Tho, ngụ xã An Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết.

Nhà trường tiếp nhận bàn giao vào ngày 21/9, ngành Y tế cùng Ban Chỉ huy quân sự tổ chức phun khử khuẩn trường lớp. Đồng thời tổ chức rà soát lại cơ sở vật chất và sửa chữa, bàn giao đúng hiện trạng cho nhà trường. Hiện, nhà trường cho phép một số cán bộ, nhân viên trở lại trường để hoàn tất một số hồ sơ, sổ sách nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. - Cô Trần Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ