Trường giữ trò, giáo viên bám lớp ôn thi Tốt nghiệp THPT miễn phí

GD&TĐ - Năm học đã kết thúc, các trường vùng cao Nghệ An vẫn giữ học sinh lớp 12 ở lại ôn thi. Giáo viên bám lớp, dạy học miễn phí chặng đường “nước rút”.

Giáo viên Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) dạy học và phụ đạo ôn thi tốt nghiệp miễn phí cho học sinh buổi tối. Ảnh: Ngô Chiến Thắng.
Giáo viên Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) dạy học và phụ đạo ôn thi tốt nghiệp miễn phí cho học sinh buổi tối. Ảnh: Ngô Chiến Thắng.

Những lớp học không đóng cửa

Suốt gần 3 tháng qua, dãy phòng học dành cho học sinh lớp 12, Trường THPT Quế Phong hầu như mở cửa cả ngày lẫn đêm, không đóng cửa. Kể cả thời điểm kết thúc năm học, nhà trường đã tổng kết nhưng những phòng học này vẫn không đóng cửa để tạo điều kiện cho khối 12 ôn thi chặng đường cuối cùng năm tháng học trò.

Cô Từ Thị Vân – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, việc mở cửa tổ chức lớp học ôn thi miễn phí cả cho học sinh khối 12 được Trường THPT Quế Phong triển khai nhiều năm nay. Ngoài lịch học buổi sáng, chiều, thì buổi tối, nhà trường vẫn sáng đèn đón học sinh đến lớp tự học, có quản lý, phụ đạo của của giáo viên.

Cô Hồ Thị Thúy, giáo viên tiếng Anh - Trường THPT Quế Phong phụ đạo cho những em còn yếu môn tiếng Anh. Ảnh: NTCC.

Cô Hồ Thị Thúy, giáo viên tiếng Anh - Trường THPT Quế Phong phụ đạo cho những em còn yếu môn tiếng Anh. Ảnh: NTCC.

Khởi xướng và phát động phong trào chính là Công đoàn giáo dục của nhà trường và các thầy cô giáo, cán bộ đoàn viên cũng là những người tiên phong thực hiện, hỗ trợ miễn phí cho học sinh. Lý do xuất phát từ việc học sinh của trường phần lớn ở trọ xa nhà đi học. Hoàn cảnh khó khăn, nhiều em ở ghép để giảm chi phí. Phòng trọ chật chội không đảm bảo điều kiện bàn ghế, ánh sáng, quạt mát… để các em ôn thi.

Vy Thị Tuyết Ngân, học sinh lớp 12A5 – Trường THPT Quế Phong chia sẻ: “khi lên lớp tự học vào buổi tối, chúng em ít bị phân tán và tập trung hơn vì xung quanh ai cũng chăm chú ôn thi. Bên cạnh đó, thầy cô cũng thường xuyên đi trực, phụ đạo, giảng bài những chỗ chúng em chưa hiểu.

Nữ sinh dân tộc Thái chia sẻ, trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT, em lo lắng nhất là tiếng Anh, đây cũng là điểm yếu chung của học sinh vùng cao. Các lần thi thử gần nhất, em rất nỗ lực nhưng vẫn chưa đủ 5 điểm. Hiện em đang dành nhiều thời gian hơn cho môn học này, và chủ yếu chỉ ôn thi các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Mục tiêu của em là đậu tốt nghiệp để đi xuất khẩu lao động.

Nhiều học sinh được Trường THPT Quế Phong tạo điều kiện vào ở miễn phí trong khu ký túc xá của trường để ôn thi. Ảnh: Ngô Chiến Thắng.

Nhiều học sinh được Trường THPT Quế Phong tạo điều kiện vào ở miễn phí trong khu ký túc xá của trường để ôn thi. Ảnh: Ngô Chiến Thắng.

Cô Hồ Thị Thúy, giáo viên tiếng Anh - Trường THPT Quế Phong cũng thẳng thắn thừa nhận đây là môn yếu và được nhà trường đặc biệt quan tâm. Do phần lớn học sinh của trường đều chưa được học tiếng Anh bài bản, thường xuyên ở cấp tiểu học, THCS. Do đó khi lên THPT, các em bị hổng kết thức cơ bản, ngữ pháp yếu, vốn từ vựng ít. Để tăng cường ôn tập cho học sinh, cô Thúy và các giáo viên khác, ngoài giờ dạy ở lớp buổi sáng, buổi chiều thì buổi tối còn tranh thủ lên lớp để phụ đạo thêm cho các em.

Khác với các trường vùng trung tâm, phần lớn học sinh của trường THPT Quế Phong chỉ đặt mục tiêu tốt nghiệp THPT. Vì thế, bên cạnh dạy học, thầy cô phải có cách động viên, khích lệ để các em có thêm động lực, cố gắng đi đến cuối cùng chặng đường học sinh.

Vận động trò học chuyên cần, đi thi đủ

Không chỉ Trường THPT Quế Phong, thời điểm này nhiều lớp học miễn phí cho học sinh cuối cấp đã được nhiều trường trên địa bàn các huyện miền núi tổ chức như THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông), Trường THPT Quỳ Châu, Trường THPT Kỳ Sơn, THPT Tương Dương…

Dãy nhà 3 tầng của Trường THPT Kỳ Sơn sáng đèn từ 19h-22h đêm. Trong mỗi phòng học, số lượng học sinh không cố định, có nhóm 20-30 em, nhưng cũng có nhóm chỉ hơn 10 em.

Cô giáo Trương Thị Lan - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Kỳ Sơn cho biết: Học sinh có thể chủ động học theo nhóm bạn cùng lớp, cùng dãy trọ hoặc cùng năng lực với nhau. Cũng có nhóm nhỏ học sinh được giáo viên nhóm lại để phụ đạo môn học còn yếu, hoặc bồi dưỡng nâng cao thêm kiến thức lấy điểm xét tuyển đại học.

Lớp học sáng đèn buổi đêm tại Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: NTCC.

Lớp học sáng đèn buổi đêm tại Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: NTCC.

Những năm trước, số lượng học sinh 12 đến trường tự học không đều, thậm chí giáo viên phải đến từng dãy trọ vận động các em đi học. Tuy nhiên, năm nay vì có ký túc xá, có nhiều đã được ở tại trường nên các lớp tự học buổi đêm được tổ chức đều đặn thành thói quen cho học sinh nội trú. Đến khi kết thúc năm học, khối 12 vẫn duy trì thói quen này.

Trong dịp tăng tốc cho giai đoạn nước rút, tất cả giáo viên dạy lớp 12 cũng tự nguyện ở lại trực và hỗ trợ học sinh ôn thi khi nhà trường phát động, trong đó có nhiều giáo viên nhà ở xa.

Những phòng học sáng đèn của các trường THPT vùng cao Nghệ An đón học sinh 12 đến ôn thi miễn phí. Ảnh: Hồ Lài.

Những phòng học sáng đèn của các trường THPT vùng cao Nghệ An đón học sinh 12 đến ôn thi miễn phí. Ảnh: Hồ Lài.

Năm học này, Trường THPT Kỳ Sơn có 388 học sinh lớp 12, nhưng chỉ khoảng 30% đăng ký xét tuyển vào đại học. Số học sinh còn lại, chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT.

Thầy Trần Thanh Vân – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, theo kế hoạch các lớp ôn thi vào các tối sẽ kéo dài cho đến cuối tháng 6, trước ngày các em bước vào kỳ thi chính thức.

“Đó cũng là hình thức để "giữ chân" các em ở lại với trường học và tham gia đầy đủ kỳ thi tốt nghiệp. Điều này vừa là trách nhiệm của nhà trường, nhưng cũng là tâm huyết, tấm lòng, sự nhẫn nại của giáo viên. Vì hiện dù kỳ thi cận kề, nhiều học sinh vẫn tỏ ra chủ quan, chưa thực sự quyết tâm và đi học chuyên cần. Có những buổi vẫn phải đến tận phòng ở đôn đốc các em học tập”, thầy Trần Thanh Vân nói.

Hiện học sinh được tăng cường luyện đề để rèn kỹ năng làm bài, mục tiêu không để mất điểm đáng tiếc ở những phần kiến thức trong khả năng. Đồng thời thông qua việc chấm bài, giáo viên sẽ trám lỗ hổng, nhắc lại kiến thức, hoặc dạng bài mà học sinh thường gặp lỗi sai.

Năm nay, để nâng chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã giao chất lượng cho từng trường. Trong đó Hiệu trưởng trường THPT chịu trách nhiệm trước Sở, giáo viên chịu trách nhiệm trước nhà trường về chất lượng dạy học từng bộ môn. Qua đó để tất cả nhà trường, kể cả cơ sở giáo dục vùng cao nỗ lực, cố gắng với mục tiêu cụ thể đã đặt ra và đăng ký.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ