Trường DTNT giao chất lượng tốt nghiệp THPT đến từng giáo viên

GD&TĐ - Với học sinh đặc thù, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An giao chất lượng dạy học, ôn thi tốt nghiệp THPT đến từng giáo viên.

Giờ học của cô trò Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.
Giờ học của cô trò Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Trường nội trú vào guồng cao điểm ôn thi

Lớp 12A3 là lớp đặc biệt của Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An khi có học sinh định hướng xét tuyển đại học ở nhiều tổ hợp môn nhất. Cô Phạm Thị Hồng Hạnh – giáo viên chủ nhiệm cho hay: A3 là lớp cuối của khối A và gần với các lớp khối C theo sắp xếp của nhà trường từ khi các em vào lớp 10. Vì thế, học sinh không có sự phân hóa hẳn vào 1-2 khối truyền thống mà hỗn hợp nhiều tổ hợp môn xét tuyển như: C03, A00, A1, D00, B… Giai đoạn nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, buổi sáng các em học chính khóa bình thường, đảm bảo kiến thức các môn để hoàn thành chương trình THPT. Còn buổi chiều, học sinh được chia đến các nhóm lớp để học theo khối xét tuyển ĐH mà mình đăng ký.

Cô Hồng Hạnh là giáo viên bộ môn Toán, chia sẻ: “Về môn Toán, đầu vào học sinh lớp tôi non hơn so với các lớp A1, A2. Là chủ nhiệm, đồng thời phụ trách dạy học ôn tập môn Toán cho học sinh trong 3 năm THPT, tôi không bỏ sót bất cứ đối tượng học sinh nào. Thay vào đó quan tâm đến từng học sinh để giúp các em từng bước tiến bộ”.

Học sinh lớp 12A3 Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An trong giờ kiểm tra môn Toán. Ảnh Hồ Lài.

Học sinh lớp 12A3 Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An trong giờ kiểm tra môn Toán. Ảnh Hồ Lài.

Thời điểm này, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An đã tổ chức các đợt thi thử cho học sinh khối 12 với đề thi theo tiến độ chương trình năm học. Cô Hạnh cho biết bản thân chấp nhận học sinh điểm thấp ở các lần thi đầu, không gây áp lực cho các em, dù chỉ đạt 4 – 5 điểm. Nhưng sau đó, cô nghiên cứu kỹ bài làm của từng học sinh để biết năng lực các em đến đâu, thiếu hụt kiến thức chỗ nào. Mỗi lần thi thử là một lần rút kinh nghiệm, và điểm số cũng từng bước cải thiện.

“Có 1 bạn đầu vào chỉ được 0,5 điểm Toán (vừa thoát điểm liệt). Nhưng sau 3 năm cô đã kéo dần dần lên và cho đến kỳ thi thử gần nhất, đề chung với một số trường THPT trên địa bàn thành phố Vinh, em đã đạt 7,5 điểm. Mỗi em tiến bộ với bản thân mình thì cả lớp sẽ cùng tiến bộ”, cô Hồng Hạnh cho hay.

Năm học 2022-2023, Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An có 6 lớp 12 với hơn 200 học sinh. Những năm gần đây, nhà trường chú trọng dạy học toàn diện, không chỉ với 3 môn khối thi chính xét tuyển ĐH của học sinh, mà cả 6 môn thi Tốt nghiệp THPT. Qua đó, giúp học sinh có kiến thức nền vững vàng, đồng thời tăng cơ hội xét tuyển ở nhiều tổ hợp môn khác nhau.

Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An giao chất lượng dạy học, ôn thi tốt nghiệp đến từng giáo viên. Ảnh: Hồ Lài.

Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An giao chất lượng dạy học, ôn thi tốt nghiệp đến từng giáo viên. Ảnh: Hồ Lài.

Thời điểm này, học sinh cũng đã tham gia các đợt kiểm tra, thi thử của trường cũng như thi chung đề với một số trường THPT khác trên địa bàn thành phố Vinh. Cô Trương Thị Thanh Thủy – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi có kết quả, nhà trường giao cho tổ bộ môn nghiên cứu kỹ phổ điểm từng môn, từng lớp, từng học sinh để kịp thời điều chỉnh phương án ôn tập. Hiện nhà trường đang tăng cường dạy ôn thi vào buổi 2 (buổi chiều) với thời gian biểu rõ ràng. Đồng thời có khoảng nghỉ giải lao và thời gian tự học buổi tối cho học sinh. Việc tự học sẽ giúp học sinh có thời gian thẩm thấu kiến thức, tự đánh giá năng lực, điều chỉnh việc học của bản thân cho phù hợp với mục tiêu của mình”.

Khơi dậy quyết tâm của học trò

Lương Yến Nhi (lớp 12C1) là một trong những học sinh được nhà trường khen thưởng vì đạt điểm cao trong đợt thi thử tốt nghiệp THPT gần nhất. Em đạt trên 27 điểm khối C (Văn, Sử, Địa) và duy trì phong độ so với các lần thi trước. Tuy nhiên, nữ sinh này chia sẻ em vẫn lo lắng với môn Tiếng Anh và Toán. Thời gian tới, ngoài tập trung chính cho 3 môn khối C, em sẽ dành thời gian để rèn luyện thêm các môn thi tốt nghiệp còn lại, đặc biệt là Tiếng Anh để cải thiện điểm số của mình hơn nữa.

Học sinh dân tộc có ý thức tự học cao và quyết tâm, nỗ lực để đạt kết quả tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hồ Lài.

Học sinh dân tộc có ý thức tự học cao và quyết tâm, nỗ lực để đạt kết quả tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hồ Lài.

Việc khen thưởng học sinh đạt điểm cao trong bài thi giữa kỳ, hoặc thi thử tốt nghiệp THPT cũng là cách nhà trường khích lệ, tạo động lực và phong trào thi đua cho học sinh. Những năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện của Trường Phổ thông DTNT số 2 tỉnh Nghệ An ngày càng được khẳng định, đặc biệt kết quả thi tốt nghiệp THPT xếp tốp đầu của tỉnh Nghệ An. Trong khi đó, đầu vào hàng năm của trường vẫn nằm ở mức thấp so với nhiều trường THPT trên toàn tỉnh.

Theo cô Trương Thị Thanh Thủy – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, học sinh dân tộc thiểu số đến từ các bản làng xa xôi, đặc biệt khó khăn nên điều kiện kinh tế gia đình cũng như nhận thức, hiểu biết xã hội của bản thân các em còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ngay từ đầu năm lớp 10, nhà trường đã tổ chức khảo sát rất kỹ lưỡng để chia lớp, định hướng cho học sinh. Khi hoàn thành xếp lớp, thì nhà trường phân công giáo viên phụ trách phù hợp với đặc điểm từng lớp.

Thông thường giáo viên chủ nhiệm và các môn thi tốt nghiệp THPT sẽ không thay đổi trong suốt 3 năm THPT. Đồng thời nhà trường cũng giao chất lượng của khóa học đó cho giáo viên chịu trách nhiệm. Việc giao chất lượng của khóa học cho giáo viên vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để các thầy cô giáo nỗ lực, sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với học sinh của mình.

Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An khen thưởng học sinh lớp 12 đạt kết quả cao tại các đợt thi giữa kỳ, thi thử tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hồ Lài.

Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An khen thưởng học sinh lớp 12 đạt kết quả cao tại các đợt thi giữa kỳ, thi thử tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hồ Lài.

Hiện phần lớn học sinh đều xác định sẽ đăng ký xét tuyển vào đại học. Về phía nhà trường cũng thường xuyên tổ chức tư vấn, hướng nghiệp. Trong đó đưa ra các tiêu chí quan trọng như: xem xét hoàn cảnh gia đình để định hướng vào trường không phải đóng học phí nhiều; thực lực của học sinh với số điểm của các lần thi thử; đam mê, sở thích của từng em… Qua đó giúp định hướng đầu ra cho học sinh phù hợp. Ngoài các ngành nghề truyền thống như sư phạm, an ninh, quân đội… thì nhiều học sinh đã hướng đến các ngành mới, công nghệ hoặc liên kết trao đổi sinh viên với nước ngoài.

Cô Trương Thị Thanh Thủy cho biết thêm, có một “ưu thế” về phía học sinh là khi các em từ vùng núi cao xuống nội trú, tâm lý đều muốn thoát ly khỏi cuộc sống khó khăn. Từ đó mà cố gắng học tập tốt, mục tiêu sau này có nghề nghiệp cho bản thân và quay lại giúp gia đình, bản làng. Đó cũng chính là động lực lớn nhất của học sinh để nhà trường, giáo viên khích lệ, khơi dậy quyết tâm đạt được mục tiêu cho các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.