Trường ĐH top đầu dành nhiều chỉ tiêu cho đợt xét tuyển đầu tiên

GD&TĐ - Hầu hết các trường ĐH top đầu đều dành phần lớn chỉ tiêu cho đợt xét tuyển đầu tiên (từ 1 - 20/8). Do đó, đây là giai đoạn xét tuyển rất quan trọng.

Trường ĐH top đầu dành nhiều chỉ tiêu cho đợt xét tuyển đầu tiên

Nhiều trường sẽ cơ bản hoàn thành xét tuyển trong đợt 1

PGS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) – cho biết: Dự kiến, trường sẽ cơ bản hoàn thành việc xét tuyển ĐH ngay trong đợt đầu tiên. Trong đợt 2, trường chỉ xét tuyển một số ít các nhóm ngày theo chỉ tiêu tuyển sinh đã đăng ký.

Ngay sau khi nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh, Trường sẽ tạo lập tài khoản cá nhân cho thí sinh để có thể đăng ký, sửa đổi nguyện vọng ngành học một cách dễ dàng.

Năm 2015, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì với các tổ hợp môn xét tuyển là A, A1, D1; đồng thời, bổ sung thêm tổ hợp: Toán – Hóa – Anh và Toán – Hóa - Sinh. Môn Toán được chọn là môn thi chính (hệ số 2) khi xét tuyển vào một số ngành đào tạo.

Thông báo xét tuyển của Trường ĐH Y Hà Nội cũng chỉ quy định thời gian từ ngày 1 - 20/8. Trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia kết hợp với điều kiện đăng ký xét tuyển để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của Trường. Môn thi dùng để xét tuyển là Toán học, Sinh học, Hóa học – không nhân hệ số.

Cụ thể về điều kiện để được đăng ký xét tuyển, đối với hệ Bác sỹ (Y Đa khoa, Răng hàm mặt, Y học Cổ truyền, Y học dự phòng: Thí sinh phải có tổng điểm trung bình 3 môn Toán học, Sinh học, Hóa học từ 21 điểm trở lên ở 6 học kỳ THPT (kể cả thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).

Đối với hệ Cử nhân (Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Y tế Công cộng, Xét nghiệm Y học, Cử nhân Khúc xạ): Thí sinh phải có tổng điểm trung bình 3 môn Toán học, Sinh học, Hóa học từ 18 điểm trở lên ở 6 học kỳ THPT (kể cả thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).

Sau khi có danh sách trúng tuyển, trường này sẽ kiểm tra hồ sơ, học bạ để công nhận trúng tuyển. Nếu thí sinh không đạt điều kiện đăng ký xét tuyển sẽ hủy kết quả trúng tuyển.

Trường ĐH Y Hà Nội quy định điểm trúng tuyển theo từng ngành. Nếu các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau, sẽ xét tiêu chí ưu tiên theo thứ tự: Ưu tiên 1 - môn Toán học; ưu tiên 2 - môn Sinh học.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng quy định xét ngành nguyện vọng 1 trước. Kết thúc xét tuyển đợt 1, tại mức điểm trúng tuyển vào từng ngành, nếu còn chỉ tiêu, Trường xét tuyển tiếp đợt bổ sung theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Năm 2015, Trường ĐH Kinh tế quốc dân xét tuyển theo từng ngành. Điểm trúng tuyển vào từng ngành cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT ít nhất 2 điểm.

Ngoài việc dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển đợt 1, Trường ĐH Quảng Bình còn quy định: Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Năm nay, Trường ĐH Quảng Bình tổ chức xét tuyển đối với những thí sinh đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do trường đại học chủ trì.

Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, nhà trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD&ĐT.

Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh cử tuyển), Hộ đồng tuyển sinh trường sẽ xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển cho từng ngành của trường.

Đối với các ngành có sử dụng kết quả thi môn năng khiếu, trường căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định đối với các môn văn hóa; môn năng khiếu phải lớn hơn hoặc bằng 5,0 điểm và chỉ tiêu từng ngành để nhà trường xác định điểm trúng tuyển của ngành đó.

Khuyến khích trường công bố kết quả trúng tuyển tạm thời

Theo Quy chế tuyển sinh 2015, thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký vào một trường ĐH hoặc CĐ, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4;

được phép đăng ký tối đa bốn nguyện vọng ngành theo thứ tự ưu tiên, được quyền đăng ký một số tổ hợp môn xét tuyển quy định cho một nhóm ngành và được quyền thay đổi nguyện vọng ngành hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác trong thời gian xét tuyển.

Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác;

Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Để tạo điều kiện cho người tham gia ĐKXT, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường ĐH, CĐ cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng ĐKXT theo hình thức trực tuyến.

Các trường cần báo cáo Bộ GD&ĐT để thống nhất sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và công bố công khai quy trình tiếp nhận thông tin đăng ký của thí sinh để thí sinh thực hiện đúng với quy định.

Ít nhất mỗi ngày một lần, các trường cập nhật thông tin ĐKXT (bao gồm danh sách các thí sinh ĐKXT và danh sách các thí sinh rút hồ sơ ĐKXT) vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và nhận dữ liệu của thí sinh từ hệ thống để xét tuyển.

Trong thời gian nhận hồ sơ của một đợt xét tuyển, ba ngày một lần các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp.

Năm nay, các trường cũng được khuyến khích công bố kết quả trúng tuyển tạm thời cập nhật đến ngày công bố.

Cơ hội sẽ giảm ở các nguyện vọng tiếp theo

Các đợt xét tuyển tiếp theo, thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau.

Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung khác.

Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.

Được nộp nguyện vọng vào nhiều trường, chính điều này sẽ tạo nên nhiều thí sinh ảo. Do đó, cơ hội thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành nghề mình yêu thích sẽ giảm. Đây cũng là điều thí sinh cần lưu ý đề có thể tận dụng lợi thế ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ