Trường ĐH Sư phạm TPHCM thành lập nhóm nghiên cứu mạnh

GD&TĐ - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (HCMUE) vừa tổ chức lễ trao quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2021 cho TS Nguyễn Thành Nhân. Đồng thời, tổng kết hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh trong giai đoạn 2019 – 2021 và trao quyết định thành lập nhóm nghiên cứu mạnh Toán giải tích.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng, trái) và TS Cao Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng HCMUE, phải) trao Quyết định bổ nhiệm Phó Giáo sư cho TS Nguyễn Thành Nhân.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng, trái) và TS Cao Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng HCMUE, phải) trao Quyết định bổ nhiệm Phó Giáo sư cho TS Nguyễn Thành Nhân.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng HCMUE, trong thời gian công tác tại HCMUE, tân Phó Giáo sư Nguyễn Thành Nhân đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của ngành Toán nói chung và HCMUE nói riêng. Đồng thời, ông cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, viết nhiều tài liệu nghiên cứu trong lĩnh vực Toán học được đăng trong các tạp chí khoa học uy tín.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy của mình, TS Nguyễn Thành Nhân được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư chuyên ngành Toán học năm 2021.

“Những nhà giáo giỏi chuyên môn, giàu nhiệt huyết là nền tảng vững chắc để xây dựng một môi trường giáo dục đào tạo chuyên nghiệp. Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên HCMUE không ngừng trau dồi, bồi dưỡng kiến thức, kiến tạo hệ thống giá trị học thuật bền vững cho Nhà trường.

Với gần 800 viên chức, người lao động, trong đó có 495 giảng viên gồm 3GS và 34 PGS, 150 TS và TSKH… Đây là niềm tự hào của HCMUE, cũng là sự ghi nhận những nỗ lực đóng góp không ngừng của các nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường nói riêng và cả nước nói chung...” - Hiệu trưởng HCMUE chia sẻ.

Theo đại diện HCMUE, cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học trở thành hoạt động cốt lõi của giáo dục đại học. Chính vì vậy, việc hình thành các nhóm nghiên cứu nói chung và nhóm nghiên cứu mạnh nói riêng rất quan trọng và đóng vai trò quyết định sự thành công, vị thế của các trường đại học.

Đặc biệt là trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, các hoạt động nghiên cứu khoa học được thúc đẩy, vai trò của các nhóm nghiên cứu mạnh ngày càng trở nên quan trọng, giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu, tác động tích cực đến hoạt động đào tạo, cả người dạy và người học.

GS.TS.Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng (bên phải) và TS. Nguyễn Thị Nga – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Toán – Tin học HCMUE trao Quyết định thành lập cho nhóm nghiên cứu mạnh Toán Giải tích.
GS.TS.Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng (bên phải) và TS. Nguyễn Thị Nga – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Toán – Tin học HCMUE trao Quyết định thành lập cho nhóm nghiên cứu mạnh Toán Giải tích.

Việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong Nhà trường đóng vai trò tất yếu, vừa là phương thức, vừa là mục tiêu phát triển của HCMUE, đồng thời khẳng định nhà trường là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáng tin cậy" - GS.TS Huỳnh Văn Sơn.

Theo đó, nhóm nghiên cứu mạnh là đơn vị chủ lực của Nhà trường trong việc tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ chất lượng cao phục vụ xã hội. Trong những năm qua, hoạt động của hai nhóm nghiên cứu mạnh là Vật lý và Tâm lý học giáo dục của trường đã có những thành tựu nhất định.

Cùng ngày, nhằm tổng kết và phát huy các hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh, đồng thời xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh mới, HCMUE tổ chức Lễ tổng kết các hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh trong giai đoạn 2019 – 2021 và trao quyết định thành lập nhóm nghiên cứu mạnh Toán giải tích.

Việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong Nhà trường đóng vai trò tất yếu, vừa là phương thức, vừa là mục tiêu phát triển của HCMUE, đồng thời khẳng định nhà trường là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáng tin cậy.

“Với thế mạnh sẵn có về tiềm lực nghiên cứu khoa học của HCMUE, các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ dẫn dắt và nâng cao các hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường.

Điều này không chỉ giúp nâng cao số lượng các công trình công bố quốc tế chất lượng cao, giải pháp hữu ích, mà còn tăng cường khả năng hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đào tạo sau đại học và xếp hạng đại học theo các tiêu chuẩn quốc tế của nhà trường” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ