Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 7 tập thể của trường |
(GD&TĐ) - Hôm nay (9/11), Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM tổ chức Lễ kỷ niệm 100 thành lập.
Ngày 14/10/1913, tại tỉnh Gia Định đã khai giảng lớp dạy vẽ đầu tiên đánh dấu sự ra đời của "Trường dạy vẽ (Ecole de Dessin), thường gọi là Trường vẽ Gia Định do Pháp thành lập.
Trải qua 100 năm, Trường vẽ Gia Định không ngừng phát triển và mang nhiều tên khác nhau: Trường Trang trí Mỹ thuật (1917), Trường Mỹ nghệ thực hành (1940), Trường trung học Trang trí mỹ thuật (1961), Trường Quốc gia Trang trí mỹ thuật (1970)…
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, Trường Quốc gia Trang trí mỹ thuật và Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn được hợp nhất thành Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM. Một thế kỷ trôi qua, đã có hàng chục ngàn học sinh - sinh viên xuất thân từ ngôi trường này, chỉ riêng từ 1975 đến nay đã có hơn 3.000 người tốt nghiệp.
Nhân dịp này, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho các cá nhân và tập thể của trường: 5 cán bộ của trường nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; 7 tập thể và 2 cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 12 tập thể và 13 cá nhân nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH - TT&D; 12 cán bộ của trường qua các thời kỳ nhận huy hiệu TP HCM…
Phát biểu tại buổi lễ, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Trương Phi Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM - nhận định: Thành tích nổi bật của trường là việc tiên phong trong cải tiến và đổi mới phương pháp dạy học các học phần thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp; nghiên cứu khoa học và công nghệ. 100 năm qua, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM không ngừng phấn đấu giảng dạy, học tập, sáng tạo và đã kế thừa, bảo tồn, phát huy tốt truyền thống nghệ thuật dân tộc cũng như tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Mục tiêu đào tạo của nhà trường trong giai đoạn 2013 - 2020 là phát triển chiều sâu nhóm ngành Mỹ thuật tạo hình; phát triển chiều rộng nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng; tăng cường cơ sở vất chất, quy mô đào tạo cả về số lượng sinh viên và ngành học mà xã hội có nhu cầu.
H.Chương