Trường ĐH Kiên Giang đón hơn 950 tân sinh viên bằng hình thức trực tuyến

GD&TĐ - Ngày 13/9, hơn 950 tân sinh viên khóa 7 của Trường ĐH Kiên Giang đã chính thức bước vào năm học 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến.

ThS Nguyễn Kim Phước - khoa Tài nguyên môi trường trong giờ dạy trực tuyến đầu năm học mới.
ThS Nguyễn Kim Phước - khoa Tài nguyên môi trường trong giờ dạy trực tuyến đầu năm học mới.

Nhà trường chọn hình thức học tập trực tuyến nhằm đảm bảo tiến độ đào tạo và an toàn cho sinh viên trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Trong năm học này, đã có hơn 950 tân sinh viên đăng ký nhập học (đợt 1) vào 18 ngành đào tạo của trường, nâng tổng số sinh viên toàn trường lên gần 4.500 sinh viên. Các ngành như Quản trị kinh doanh, Kế toán, Công nghệ thông tin, Luật, Tài chính ngân hàng và Ngôn ngữ Anh là nhóm ngành có số lượng sinh viên nhập học cao nhất.

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, sinh viên các khóa của trường sẽ học các môn lý thuyết bằng hình thức trực tuyến. Còn các môn thực hành, thí nghiệm sẽ được xếp lịch lùi lại cho đến khi UBND tỉnh Kiên Giang cho phép các trường học tập trung trở lại. Khi học tập trực tiếp, sinh viên sẽ khai báo y tế và phải thực hiện đầy đủ các quy định 5K của Bộ Y tế.

“Trong điều kiện nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách, Trường ĐH Kiên Giang đã áp dụng hình thức đăng ký nhập học trực tuyến cho các thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Đồng thời, tổ chức xét tuyển thường xuyên và cho sinh viên nhập học theo từng đợt vào ngày 27/9 và ngày 18/10”, TS Nguyễn Tuấn Khanh cho biết.

Trần Hoàng Gia, SV Khóa 7, ngành Luật, Trường ĐH Kiên Giang trong giờ học trực tuyến.
Trần Hoàng Gia, SV Khóa 7, ngành Luật, Trường ĐH Kiên Giang trong giờ học trực tuyến.

Để chuẩn bị cho năm học mới, trường đã chủ động tổ chức tập huấn, triển khai các gói lớp học ảo trên Zoom để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy học tập, cũng như kiểm soát được chất lượng đào tạo.

Riêng đối với tân sinh viên khóa mới, nhà trường đã dành 4 tuần để hướng dẫn kỹ năng, sử dụng công cụ, phần mềm học trực tuyến; cách thức khai thác sử dụng thư viện số; bồi dưỡng kỹ năng mềm thiết yếu học đại học trước khi bắt đầu học chính thức…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.