Thực tế tuyển sinh ĐH, cao đẳng những năm qua cho thấy, chất lượng tuyển sinh đầu vào của ngành sư phạm đang đi xuống, số lượng thí sinh đăng ký vào các trường sư phạm cũng ngày càng giảm. Trước tình trạng ấy, Trường ĐH Hùng Vương đã có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm.
Chất lượng đào tạo ngành sư phạm luôn ổn định
Từ năm 2004, Trường ĐH Hùng Vương bắt đầu đào tạo ĐH sư phạm (ĐHSP) các ngành, trong đó: ĐH 13/20 ngành, chiếm 43,3%; thạc sỹ 2/6 ngành; cao đẳng 2 ngành (sư phạm tiểu học và mầm non) và trung cấp mầm non. Trường đã thu hút được SV học ngành sư phạm (ĐH, trung cấp) đến từ các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu và Hà Tây (cũ); tỷ trọng các tỉnh chiếm từ 18- 20%, Phú Thọ chiếm 75- 80%. Trong giai đoạn 2011- 2016, tỷ trọng SV các ngành đào tạo sư phạm của trường giữ ổn định 600- 700 SV/năm (ĐH 450- 460 SV; cao đẳng 150- 160 SV).
Tuy nhiên, nắm bắt tình hình chung, năm 2017 trường đã điều chỉnh giảm khoảng 40% chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm, tuyển mới 350 chỉ tiêu. 5/13 ngành sư phạm vẫn duy trì mức độ tuyển sinh tốt là: GD tiểu học, GD mầm non, sư phạm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Các ngành còn lại khó tuyển sinh (thậm chí một vài năm trở lại một số ngành không tuyển được hoặc tuyển với số lượng thấp) như: GD Thể chất, Lý, Hóa, Sinh...
Thực tế nhiều năm qua, điểm đầu vào các ngành sư phạm của trường cao hơn so với điểm sàn và các ngành ngoài sư phạm từ 3- 5 điểm (bình quân 5 năm gần đây là 19,04 điểm); điểm thủ khoa các ngành sư phạm bình quân: 27,75. Tổng số thí sinh có điểm đầu vào ngành sư phạm trong vòng 5 năm qua đạt từ 24 điểm trở lên chiếm 10,2 %. Năm 2017, điểm trung bình đầu vào của các ngành sư phạm là 20,76 điểm, trong đó, thủ khoa ngành Sư phạm Toán là 28,75 điểm.
Theo đánh giá kết quả hàng năm, chất lượng đào tạo ngành sư phạm của trường giữ ổn định; tỷ lệ SV xếp loại tốt nghiệp bình quân 5 năm (2011- 2016) loại xuất sắc, giỏi chiếm 12,23 %; khá chiếm 76,2 %; trung bình là 11,57 %. Qua thống kê cho thấy, số SV xếp loại xuất sắc, giỏi chủ yếu nằm trong số 10% SV có điểm đầu vào cao trên 20 điểm. Số SV ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay trên 80 % như các ngành GD Mầm non, GD Tiểu học, sư phạm Tiếng Anh....
Tiến sĩ Trịnh Thế Truyền-Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Để sư phạm trở lại là một trong những ngành học hấp dẫn, từ đó tăng chất lượng đầu vào, ngành GD cần đưa ra giải pháp quy hoạch các trường sư phạm, sắp xếp hợp lý các cơ sở GD có đào tạo chuyên ngành sư phạm, tránh hiện tượng đào tạo ồ ạt; có những khảo sát, đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng GV trong tương lai để giao chỉ tiêu phù hợp, cụ thể cho các trường sư phạm.
Đổi mới nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm
Để nâng cao chất lượng đào tạo và duy trì ngành học sư phạm truyền thống của nhà trường, bên cạnh những giải pháp tầm vĩ mô như lương và các chế độ đãi ngộ, việc làm, nhà trường cũng có những biện pháp mạnh như: Đổi mới quy trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm (NVSP); tăng thời gian thực tập NVSP (bố trí việc rèn luyện NVSP xen kẽ với việc học các môn chuyên ngành); thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nhà giáo và quản lý cán bộ có nhiệm vụ đào tạo các kỹ năng cơ bản về diễn đạt (nói, viết), trình bày bảng, sử dụng đồ dùng trực quan, thiết kế giáo án...
Qua thực tiễn đào tạo, nhận thấy nội dung chư¬ơng trình vẫn còn khá nhiều bất cập nh¬ư: việc giảng dạy các học phần vẫn nặng về lí thuyết; còn khoảng cách khá xa giữa lí thuyết và thực tiễn, giữa đào tạo ở trư-ờng s¬ư phạm với thực tế giảng dạy, vì vậy nhà trường đã thực hiện đổi mới nội dung chương trình đào tạo NVSP, trong đó giảm bớt lý thuyết, tăng cường thực hành theo hướng ứng dụng gắn kết với thực tiễn; chú trọng dạy mẫu, làm mẫu trong qui trình đào tạo NVSP; thay đổi thời gian và nội dung kiến tập, thực tập sư phạm cho SV.
Hạn chế lớn nhất của đào tạo GV (4 năm) hiện nay là thời gian kiến tập, thực tập của SV quá ít, chỉ từ 3-4 tuần, trong khi theo đánh giá của nhiều thầy giáo, cô giáo, nếu để bảo đảm một SV sư phạm ra đứng lớp có hiệu quả, phải dành ít nhất 1 năm để thực tập. Với xu thế hiện nay, Trường ĐH Hùng Vương sẽ phải chủ động kế hoạch, xây dựng và phát triển đào tạo các chuyên ngành sư phạm theo quy mô tương ứng với yêu cầu của các đơn vị cơ sở từng giai đoạn. Nhà trường cũng đang ”tính” đến giải pháp là “đặt hàng đào tạo” theo nhu cầu cụ thể về đào tạo GV ở từng bậc học với các địa phương, giúp các địa phương chủ động bố trí lao động. Có như vậy, SV sư phạm tốt nghiệp mới có cơ hội việc làm, đồng nghĩa với đó là lượng thí sinh dự thi theo học ngành này mới đảm bảo chất lượng cao.
Tiến sĩ Trịnh Thế Truyền khẳng định: Đào tạo sư phạm là đào tạo nghề đặc biệt - nghề dạy học. Năng lực s¬ư phạm của mỗi SV có đ¬ược chính là do kết quả của sự rèn luyện NVSP mà nên. Bởi vậy, phải đổi mới và coi việc đào tạo NVSP là nét đặc thù, là hoạt động cơ bản để rèn luyện tay nghề cho SV.