Trường ĐH Hùng Vương tuyển sinh nhiều ngành khi chưa được phân bổ chỉ tiêu

GD&TĐ - Trong một số năm, Trường ĐH Hùng Vương đã tuyển sinh nhiều ngành khi chưa được phân bổ chỉ tiêu; đồng thời tuyển vượt chỉ tiêu một số ngành.

Trường ĐH Hùng Vương tuyển sinh nhiều ngành khi chưa được phân bổ chỉ tiêu

Bộ GD&ĐT công bố kết luận thanh tra việc thành lập và hoạt động của Hội đồng trường; tuyển sinh, quản lý đào tạo; điều kiện mở ngành và duy trì ngành các trình độ giáo dục đại học; bồi dưỡng, quản lý cấp phát văn bằng chứng chỉ đối với Trường ĐH Hùng Vương.

Trường ĐH Hùng Vương là cơ sở giáo dục ĐH công lập đa ngành thuộc UBND tỉnh Phú Thọ. Theo kết luận thanh tra, Trường đã cơ bản hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo quy định pháp luật để tổ chức, quản lý hoạt động của Trường.

Trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục giai đoạn 2018-2023, và 2023-2028; được phép đào tạo 38 ngành trình độ ĐH và 8 ngành trình độ ThS. Đến thời điểm thanh tra đã có 6 ngành trình độ ĐH và 1 ngành trình độ ThS đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Trường cơ bản ban hành đủ quy chế về đào tạo, quản lý văn bằng, chứng chỉ của Trường để tổ chức thực hiện; đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thiết kế, quản lý việc tổ chức in phôi, bảo mật, cấp phát phôi văn bằng, chứng chỉ; quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.

Bên cạnh ưu điểm, kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều thiếu sót của Trường ĐH Hùng Vương liên quan đến Hội đồng trường. Bên cạnh đó, về tuyển sinh, các ngành: Sư phạm vật lý, Công nghệ sinh học, Kinh tế nông nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Thiết kế đồ họa, Nông học, Quản lý giáo dục, Việt Nam học, Lâm nghiệp, Sư phạm Toán học (Toán - Lý) trình độ ĐH đã quá 3 năm liên tục không tổ chức tuyển sinh; ngành Thực vật học trình độ ThS đã quá 5 năm không tổ chức tuyển sinh.

Về vi phạm, Trường tuyển sinh các ngành: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật trình độ ĐH vừa học vừa làm tại Hà Giang; ngành Sư phạm Âm nhạc tại Điện Biên năm 2021; các ngành: Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Hóa học trình độ ĐH vừa học vừa làm và nâng chuẩn các ngành: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Ngữ văn tại Hà Giang năm 2022 khi chưa được phân bổ chỉ tiêu.

Năm 2021 và 2022, Trường điều chuyển chỉ tiêu của Hà Giang để tuyển cho Điện Biên. Việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của Trường không đúng theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 07/2020/TT-BGDĐT ngày 20/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/2/2018 và Thông tư 01/2019/TT- BGDĐT ngày 28/2/2019; Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT.

Năm 2021, Trường tuyển sinh vượt 80 chỉ tiêu khối ngành III tương đương 43,2%; 3 chỉ tiêu khối ngành VI tương đương 6% và 39 chỉ tiêu khối ngành VII tương đương 12,3%; năm 2022 lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin vượt 10 chỉ tiêu do trường tự xác định tương đương 10%. Các khối ngành/lĩnh vực Trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu nhưng không vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu đối với khối ngành/lĩnh vực đào tạo đó của Trường, vi phạm khoản 3 Điều 8 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP.

Năm 2021, Trường tuyển sinh ngành Sư phạm Mỹ thuật trình độ ĐH vừa làm vừa học tại Điện Biên vượt 28 chỉ tiêu tương đương 90,3%; năm 2022 tuyển sinh ngành Sư phạm Lịch sử nâng chuẩn tại Hà Giang vượt 2 chỉ tiêu tương đương 10%, vi phạm khoản 3 Điều 10 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP.

Năm 2021, Trường xác định chỉ tiêu trình độ ThS các ngành Quản lý kinh tế, Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán, Lý luận văn học năm 2021 không đúng quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018. Năm 2022, Trường xác định và công bố chỉ tiêu trình độ ThS ngành Quản lý kinh tế không đúng quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT, vi phạm điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP.

Năm 2021 Trường tuyển sinh trình độ ThS vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh: Ngành Quản lý kinh tế vượt 21 chỉ tiêu tương đương 40,38%; ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán vượt 12 chỉ tiêu tương đương 50%; ngành Lý luận văn học vượt 3 chỉ tiêu tương đương 14,28%, vi phạm khoản 3 Điều 10 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP.

Đến thời điểm thanh tra các hành vi vi phạm về công tác tuyển sinh năm 2021 và 2022 của Trường đã hết thời hiệu xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Ngành Chăn nuôi, Trường không tuyển sinh được từ năm 2022, đến thời điểm thanh tra, Trường không bố trí giảng viên có học hàm PGS hoặc GS để chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình theo quy định đối với ngành này.

Kiến nghị biện pháp xử lý về chấn chỉnh công tác quản lý, kết luận thanh tra yêu cầu Trường ĐH Hùng Vương có lộ trình thực hiện Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường; thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH; kiện toàn, bổ sung thành viên Hội đồng trường, Hiệu trưởng theo quy định.

Rà soát toàn bộ các văn bản, quy định nội bộ của Trường, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản theo thẩm quyền cho phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và của Bộ GD&ĐT.

Thực hiện tuyển dụng, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ TS, có học hàm PGS bảo đảm quy định để chủ trì tổ chức thực hiện chương trình đào tạo đối với tất cả các ngành, trình độ đào tạo của Trường; rà soát, cập nhật, chỉnh sửa và ban hành tất cả chương trình đào tạo trình độ ĐH, trình độ ThS đối với các ngành đang đào tạo của Trường theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT.

Thực hiện tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, bồi dưỡng, quản lý cấp phát văn bằng chứng chỉ và các điều kiện bảo đảm chất lượng theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Rà soát, báo cáo Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục ĐH) đề xuất phương án xử lý theo quy định pháp luật đối với các ngành nhiều năm trường không tuyển sinh theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

các khối thi đại học Đại học Duy Tân