Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tròn 35 năm: Mục tiêu là kiến tạo thế hệ sinh viên sáng tạo và có tinh thần khởi nghiệp

GD&TĐ -  Cam kết đầu ra, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng là những mục tiêu cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo GDĐH mà Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường gấp rút thực hiện.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn- Phó hiệu trưởng Trường ĐH CNTP TPHCM (bên trái) đón nhận Giấy chứng nhận đạt chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học từ tay PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa- Phó giám đốc ĐH QGTPHCM
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn- Phó hiệu trưởng Trường ĐH CNTP TPHCM (bên trái) đón nhận Giấy chứng nhận đạt chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học từ tay PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa- Phó giám đốc ĐH QGTPHCM

Định hướng lộ trình phát triển ngay từ những ngày đầu theo hướng: đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, hướng đến hội nhập quốc tế, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (ĐH CNTP TPHCM)sau 35 năm không chỉ khẳng định được “thương hiệu”, mà còn xây dựng được niềm tin lớn từ xã hội.

Tự chủ để chủ động đổi mới, Kiểm định để nâng chất nguồn nhân lực

Trường ĐH CNTP TPHCM chính thức được Chính phủ và Bộ GD&ĐT cho thực hiện thí điểm mô hình tự chủ tài chính vào năm 2015. Hơn một năm sau, trường vinh dự đón nhận quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học.

Đây không chỉ là những cột mốc quan trọng trong chặng đường theo đuổi mục tiêu chất lượng suốt 3 thập kỉ của nhà trường, nó còn là cơ sở bản lề để trường hướng đến mục tiêu; cam kết đầu ra sau đào tạo và hướng đến hội nhập quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn- Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH CNTP TPHCM nhìn nhận: Kết quả kiểm định là căn cứ để xác định chất lượng GDĐH, căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát các trường ĐH, cơ sở cho người học lựa chọn nơi học, kiến tạo niềm tin về chất lượng đào tạo với xã hội. Trong đó, việc được tự chủ toàn diện về mặt tài chính, đào tạo, công tác NCKH, cán bộ…thật sự mang đến sự chủ động rất lớn cho nhà trường.

Chính bởi mục tiêu chất lượng, đổi mới và tiến đến hội nhập mà trường tiếp tục theo đuổi, lộ trình sắp tới Trường ĐH CNTP TPHCM sẽ tiếp tục đầu tư phát triển về những điều kiện đảm bảo chất lượng. Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong để đến năm 2022 trường có thể đạt mức 5/7 bộ tiêu chuẩn trong đánh giá KĐCL giáo dục cấp cơ sở GDĐH theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA).

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn- Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH CNTP TPHCM khẳng định: Với chặng đường 35 năm, Trường ĐH CNTP TPHCM đã sớm ý thức được tầm quan trọng của việc thực hiện chất lượng đào tạo theo quan điểm đánh giá bằng các bộ tiêu chí KĐCL, qua đó để biết mình đang ở đâu trong hệ thống GDĐH Việt Nam.

“Chúng tôi dùng bộ tiêu chuẩn như là thước đo để tự điều chỉnh, chuẩn hóa các hoạt động trong toàn trường... Muốn hội nhập quốc tế thành công, tạo một sân chơi và sự cạnh tranh một cách sòng phẳng khi nhân lực của chúng ta hòa nhập vào thị trường lao động thế giới, không cách nào khác phải trang bị cho sinh viên của mình mọi kỹ năng nền tảng, và đó là mục tiêu của nhà trường”- Ông cho biết.

Xây dựng nền tảng đổi mới và tinh thần khởi nghiệp cho SV

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tròn 35 năm: Mục tiêu là kiến tạo thế hệ sinh viên sáng tạo và có tinh thần khởi nghiệp ảnh 1Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tròn 35 năm: Mục tiêu là kiến tạo thế hệ sinh viên sáng tạo và có tinh thần khởi nghiệp ảnh 2

Muốn hiện thực hóa các mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực do mình cung ứng, không cách nào khác nhà trường phải định hình được cho mình một lộ trình cụ thể, theo từng giai đoạn và riêng biệt.

Xác định rõ mục tiêu nên ngay từ năm học 2016-2017, Trường ĐH CNTP TPHCM đã đưa chương trình huấn luyện về đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Đặc biệt, tăng cường kết nối doanh nghiệp, tạo các sân chơi khoa học vào thực hiện để sinh viên có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường lao động, cũng như có thể tự tạo việc làm cho bản thân, không bị áp lực thất nghiệp trong thị trường lao động trong industry 4.0.

Theo PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn, cuộc CMCN lần thứ 4 đã tạo ra nhiều thách thức cho các trường đại học. Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra như: Trong tương lai học ngành nghề nào để không bị robot chiếm chỗ; Cần đào tạo như thế nào để có được lớp kỹ sư thích ứng với industry 4.0?

“ Lời giải cho câu hỏi này chính là làm sao các trường đào tạo được lớp kỹ sư có kiến thức và kỹ năng về đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Những kỹ sư tương lai không chỉ cần có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm,.. mà cần phải có kỹ năng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp, xã hội cần những social engineer”- PGS.TS Hoàn nhấn mạnh,

Nhận thức sâu sắc được những vấn đề trên và để chuẩn bị cho nền tảng này, Trường ĐH CNTP TPHCM đã có những bước chuẩn bị kỹ càng. Cụ thể: 1. Nhà trường triển khai huấn luyện chương trình đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp đến cho toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên trường. Theo đó, đội ngũ này sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng với tâm thế đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.

2. Nhà trường sẽ đưa chương trình đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp đến sinh viên từ năm thứ hai để các em được trang bị kiến thức, kỹ năng và tâm thế đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

3. Nhà trường sẽ hợp tác với Hội doanh nghiệp Tân Phú, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ của Trường ĐH Bách khoa TPHCM và các chuyên gia về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo và kết nối doanh nghiệp nhằm tạo môi trường để sinh viên được huấn luyện và trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, kết nối sinh viên với các doanh nghiệp startup, với các trường ĐH khác...

4. Nhà trường xây dựng quỹ ươm mầm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sinh viên nhằm nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo của sinh viên và ươm mầm khởi nghiệp. Thông qua những quỹ ươm mầm ý tưởng này, nhà trường hy vọng sẽ có nhiều sinh viên lập thân thành công.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn chia sẻ: Những bước đi trên của nhà trường nhằm xây dựng nền tảng cho một trường đại học đổi mới sáng tạo, nền tảng cho việc đào tạo lớp kỹ tương lai có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, tâm thế thích hợp với sự đổi mới nhanh chóng của thị trường lao động mới.

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, trực thuộc Bộ Công thương.

Cụ thể, năm 1982, Trường Cán bộ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định số 986/CNTP, ngày 09/09/1982 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thực phẩm.

Đến năm 1987 Trường được đổi tên thành Trường Trung học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định số 25 CNTP/TCCB ngày 03/05/1987 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thực phẩm;

Năm 2001 Trường được nâng cấp lên Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định số 18/QĐ-BGD&ĐT -TCCB ngày 02/01/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo;

Năm 2010 Trường chính thức trở thành Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 284/QĐ-TTg, thành lập Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM của Thủ tướng Chính phủ;

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh là một trường trọng điểm về đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật các ngành công nghệ (trong đó chú trọng công nghệ chế biến nông sản thực phẩm) cho khu vực phía Nam. Trường hiện có 20 chuyên ngành đào tạo…được tuyển sinh trên cả nước, với quy mô học sinh-sinh viên đào tạo khoảng 14.000 sinh viên/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ