Ngành Kỹ thuật Ô tô được tổ chức lại trên cơ sở các chuyên ngành Động cơ và Ô tô (Động lực) đã được đào tạo tại Trường ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng hơn 45 năm qua. Là ngành được phép đào tạo từ khi thành lập trường nên đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và NCKH, nhiều công trình nghiên cứu khoa học của Thầy và trò liên quan đến động cơ sử dụng nhiên liệu tái tạo, nhiên liệu thay thế, xe gắn máy hybrid, ô tô thông minh… đã góp phần đáng kể cho sự phát triển khoa học của ngành Kỹ thuật Ô tô và ứng dụng trong thực tiễn.
Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật Ô tô đáp ứng Khung trình độ Quốc gia Việt Nam (Quyết định 1982 của Thủ tướng Chính phủ). Thời lượng đào tạo 4 năm, khối lượng 130 tín chỉ cấp bằng cử nhân và chương trình đào tạo tích hợp chuyên sâu đặc thù hệ chính quy (cấp bằng Cử nhân và Kỹ sư) với thời lượng đào tạo 5 năm, khối lượng 180 tín chỉ.
Tại hội thảo mở ngành Kỹ thuật Ô tô, GS. TSKH Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết công nghệ ô tô đang phát triển theo xu hướng mới thân thiện với môi trường. Nhiên liệu tái tạo, nhiên liệu thay thế và điện sẽ thay thế dần xăng dầu. Ô tô sẽ trở nên thông minh và an toàn hơn khi sử dụng.
Vì vậy, Chương trình đào tạo (CTĐT) ngành Kỹ thuật Ô tô của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã được cập nhật theo hướng tiếp cận công nghệ mới và đón đầu xu thế phát triển ô tô trong tương lai. Sinh viên theo học chương trình này sẽ có kiến thức tổng hợp, bên cạnh những kiến thức kinh điển về cơ, nhiệt, điện của chuyên ngành sẽ được bổ sung những kiến thức về kỹ thuật số để thích nghi với yêu cầu của thực tiễn.
TS. Nguyễn Văn Đông - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Ô tô cho biết: CTĐT Ngành Kỹ thuật Ô tô có 6 khối kiến thức theo quy định chung về thiết kế CTĐT, mà điểm nổi bật của CTĐT hiện nay là lấy khối kiến thức Toán & Khoa học tự nhiên làm nền tảng, kiến thức cơ sở ngành cốt lõi vững chắc, kiến thức ngành hiện đại và tiên tiến. Bên cạnh đó SV còn được trang bị kiến thức thực tiễn từ thí nghiệm/thực hành/dự án (capstone project)theo hướng tiếp cận ô tô hiện đại, đặc biệt là những dự án của doanh nghiệp đặt hàng cho SV trong quá trình đào tạo, giúp các em có những kỹ năng/kiến thức thực tế để thích ứng nhanh với công việc cụ thể sau khi tốt nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Đài - Tổng giám đốc Vinfast Hải Châu cho biết: Có thể nói rằng Ngành kỹ thuật Ô tô ở Việt Nam hiện nay chỉ đang mới bắt đầu, các doanh nghiệp ô tô cũng đã và đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở phương diện thiết kế, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất…
Ông Đàm Ngọc Bảo - Giám đốc Công ty Cổ phần Máy thiết bị Dầu khí Đà Nẵng khẳng định người học có thể yên tâm về cơ hội việc làm của ngành ô tô trong tương lai với đa dạng các vị trí công việc mà các doanh nghiệp về ô tô có nhu cầu tuyển dụng như Bộ phận nghiên cứu và phát triển, thiết kế và chế tạo, kỹ thuật, công nghệ, đăng kiểm ô tô, bộ phận dịch vụ, phụ tùng và bộ phận phát triển thị trường, …