Môi trường bền vững
PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xanh và phá triển bền vững là mục tiêu hướng tới của nhà trường. Trong hoạt động đào tạo, nhiều chuyên đề về “Kỹ năng bảo vệ Môi trường” vào các học phần kỹ năng mềm giảng dạy cho SV ở tất cả các ngành học. Trong đó, đầu tư phát triển các ngành nghề về công nghệ sinh học theo theo xu hướng phát triển các nông sản sạch và thực phẩm an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ bền vững môi trường sống.
Trong nỗ lực thực hiện đào tạo gắn với phát triển khoa học công nghệ, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường (KHCNMT) – Trường ĐH Trà Vinh được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao về môi trường với các ngành: Kỹ thuật Môi trường (bắt đầu từ năm 2017), Quản lý Tài nguyên và Môi trường (bắt đầu từ năm 2021), Thạc sỹ Kinh tế Tài nguyên và Phát triển bền vững (bắt đầu từ năm 2022), Thạc sỹ Kinh tế và Quản lý Môi trường (bắt đầu từ năm 2022).
Trần Thị Ngọc Bích, Phó Viện trưởng Viện KHCNMT chia sẻ: Kiến thức, kinh nghiệm thực tế và cách thức thực hiện của từng địa phương hay khu vực đi cùng ứng dụng là rất quan trọng. Giáo dục môi trường không tách rời những giá trị tri thức bản địa để tạo lập và phát triển bền vững. Mục đích cuối cùng của giáo dục môi trường là tiến tới xã hội hóa các vấn đề môi trường, nghĩa là đào tạo ra các công dân có nhận thức, có trách nhiệm với môi trường, biết sống vì môi trường.
Một khi các vấn đề môi trường đã được xã hội hóa thì những lợi ích kinh tế cho cộng đồng ngày một gia tăng và đặc biệt hiệu lực quản lý nhà nước tăng nhưng gánh nặng chi phí sẽ giảm. Do đó, những kết quả nghiên cứu về môi trường và các phương pháp khắc phục ở nhiều quốc gia trên thế giới đã đi đến kết luận chung là: không có giải pháp nào kinh tế và hiệu quả bằng việc đầu tư vào con người thông qua công tác giáo dục môi trường.
Và trách nhiệm xanh
PGS.TS Phạm Tiết Khanh, tâm sự: Chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống. Trường triển khai nhiều chương trình hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của sinh viên, các thầy, cô giáo và toàn thể cộng đồng về bảo vệ môi trường, quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải. Khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính…, tiến đến sự phát triển bền vững.
Các phong trào thu gom rác thải nhựa; các cuộc diễu hành tuyên truyền về không dùng ống hút nhựa, không xả rác thải nhựa bừa bãi; phân loại rác tại nguồn (phân loại rác thải theo thùng); cuộc thi thời trang bằng vật liệu tái chế mang thông điệp “Nói không với rác thải nhựa”, chương trình “Lấy rác đổi quà” (01 kilogam rác thải nhựa = 1 kilogram gạo); các cuộc thi tái chế rác thải nhựa; trong khuôn viên Trường Đại học Trà Vinh luôn xuất hiện những tấm bảng, khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Đến với Trường ĐH Trà Vinh, một khuôn viên được phủ xanh bằng những hàng cây trải dài, cùng các chính sách năng lượng hiệu quả, dần chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng xanh tái tạo điện mặt trời thông qua hệ thống Inverter đáp ứng cho nhu cầu nghiên cứu, học tập, giảng dạy thực tế. Việc vận hành hệ thống quan trắc đo chất lượng không khí nhằm đánh giá mức độ sạch của không khí tại trường và khu vực TP Trà Vinh cùng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực bảo vệ, phát triển môi trường bền vững được triển khai đã cho thấy nỗ lực hướng đến một môi trường xanh bền vững của trường.