Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tham dự cùng Đoàn tại buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đoàn Hoài Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết, trường có đội ngũ 344 cán bộ giảng viên và nhân viên, trong đó có hơn 20% đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, với quy mô đào tạo gần 4.000 học sinh, sinh viên.
Trường đã đào tạo gần 12.000 nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh và khu vực, trong đó hơn 3.500 nhân lực cho nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Về kết quả đào tạo đại học và cao đẳng, từ khi thành lập đến nay, trường đã đào tạo được gần 12.000 sinh viên đã tốt nghiệp ra trường. Với tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hàng năm đạt hơn 90% đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Tĩnh, cả nước và cả nước bạn Lào.
Hiện Trường Đại học Hà Tĩnh đã có quan hệ hợp tác với các nước và khu vực như Canada, Nga, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Đức, Thái Lan. Đặc biệt, Trường đã hợp tác đào tạo với 14 tỉnh và một Trường Đại học của Lào. Nhà trường đã xây dựng Đề án đặt văn phòng đại diện, hình thành các đầu mối tuyển sinh tại Lào; hàng năm đưa sinh viên đi thực tập một năm ở nước ngoài hoặc trong các công ty nước ngoài ở Việt Nam…
Trong công tác đào tạo ngắn hạn, Trường Đại học Hà Tĩnh đã và đang đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, THCS các hạng 1, 2, 3; giáo viên THPT hạng 3; đào tạo và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo tiếng Lào; đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm… Trường cũng đang đào tạo bậc THPT và mầm non với quy mô gần 1.000 học sinh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận và chúc mừng những thành tựu mà Trường Đại học Hà Tĩnh đạt được trong những năm qua. Đồng thời mong muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường để công tác đào tạo ngày một tốt hơn.
Hầu hết các ý kiến của cán bộ giảng viên xoay quanh 2 vấn đề, đó là Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và vấn đề tuyển sinh một trong những khó khăn hiện tại của nhà trường.
Bên cạnh đó, các ngành đào tạo tại trường chưa đa dạng, chưa có mã ngành đào tạo trình độ thạc sỹ; chưa đào tạo các ngành về kỹ thuật, công nghiệp chế biến, chế tạo, y dược…
Tại buổi làm việc, bà Đặng Thị Quỳnh Diệp – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng, Trường Đại học Hà Tĩnh cần có các giải pháp kiện toàn về nhân lực, xây dựng kế hoạch cụ thể để giải quyết các việc tồn đọng, vướng mắc để nâng cao hiệu quả tuyển sinh. Còn những khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 116/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm mong Bộ GD&ĐT có giải pháp tháo gỡ, định hướng cho không chỉ Trường Đại học Hà Tĩnh mà nhiều trường nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, nhu cầu của người học đang rất lớn, đây là cơ hội của nhà trường nếu có các giải pháp để tuyển sinh hiệu quả.
Nhà trường cần thay đổi tư duy trong đào tạo, dựa trên thế mạnh và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để xác định được phân khúc đào tạo. Khi xác định được phân khúc đào tạo, cần có các chiến lược, cơ chế nâng cao chất lượng đào tạo trong phân khúc, từ đó tạo thương hiệu, uy tín.
“Về chiến lược tuyển sinh hiện nay chúng ta phải nắm rõ giáo dục là dịch vụ đặc biệt, cần xem người học là trung tâm. Phải làm sao để họ thấy dịch vụ của mình tốt và lựa chọn”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu giải pháp tuyển sinh cho nhà trường.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đề nghị, Trường Đại học Hà Tĩnh cần phát huy mọi nguồn lực, nhất là nội lực để nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất giảng dạy; đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tuyển sinh, đào tạo từ các cơ sở giáo dục trong cả nước; tăng cường công tác phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm; kiện toàn, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả và sớm kiện toàn Hội đồng trường theo đúng quy định.