Trường Đại học Giao thông vận tải kỷ niệm 63 năm ngày thành lập

GD&TĐ -24/3/2025, Trường ĐH Giao thông vận tải trang trọng tổ chức Chương trình kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Trường và 65 năm đào tạo đại học.

Trường Đại học Giao thông vận tải kỷ niệm 63 năm ngày thành lập

Trường Đại học Giao thông vận tải trang trọng tổ chức Chương trình kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Trường (24/3/1962 - 24/3/2025) và 65 năm đào tạo đại học.

Trường Đại học Giao thông vận tải, tiền thân là Trường Cao đẳng Công chính Đông Dương, được khai giảng lại dưới chính quyền cách mạng vào ngày 15/11/1945 với nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho các ngành giao thông, thủy lợi và bưu điện.

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, trước yêu cầu cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam ruột thịt, năm 1960, Trường đã khai giảng khóa đại học đầu tiên với 117 sinh viên. Ngày 24/3/1962, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 42/CP thành lập Trường Đại học Giao thông vận tải, chỉ rõ sứ mệnh của Trường là bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật cao cấp và nghiên cứu khoa học về giao thông vận tải.

a2-b3-gtvt.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng trình bày diễn văn kỷ niệm 63 năm thành lập Trường Đại học Giao thông vận tải

Trên chặng đường phát triển kể từ đó đến nay Nhà trường đã luôn đồng hành cùng với những nhiệm vụ mà đất nước giao phó với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và luôn thích ứng với thực tiễn. Trải qua 65 năm đào tạo bậc đại học, Nhà trường đã phát triển lớn mạnh cả về thế và lực, với đội ngũ hơn 1.000 người lao động, trong đó có 758 giảng viên (gồm 03 Giáo sư, 100 Phó Giáo sư, 254 Tiến sĩ), tổ chức đào tạo 34 ngành đại học, từ các ngành truyền thống như Xây dựng công trình giao thông, Kinh tế vận tải, Cơ khí giao thông… đến những lĩnh vực mới mẻ, mang tính chiến lược như Hệ thống giao thông thông minh, Đường sắt tốc độ cao và Công nghệ bán dẫn.

Từ ngôi trường lịch sử này, hơn tám vạn kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ và hàng ngàn tiến sĩ đã học tập và trưởng thành, trở thành những nhà khoa học giỏi, những kỹ sư lành nghề, những nhà quản lý xuất sắc, nắm giữ vai trò nòng cốt trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp, đem tinh thần tiên phong, trách nhiệm của trường ĐHGTVT lan tỏa khắp đất trời của Tổ quốc, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển không ngừng của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải.

a3-b3-gtvt.jpg

Trong khuôn khổ chương trình, Trường Đại học Giao thông vận tải đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam nhằm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho ngành giao thông vận tải giai đoạn 2025–2030, trong đó trọng tâm của năm 2025 là phối hợp xây dựng Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia về Đường sắt hiện đại. Việc ký kết giữa hai đơn vị là bước đi có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt học thuật, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo của Nhà trường tiên phong trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi trong thiết kế, thi công và vận hành hệ thống đường sắt quốc gia, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cũng như Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

a4-b3-gtvt.jpg

TS Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Đại học công bố các quyết định chương trình đào tạo đường sắt hiện đại và chương trình đào tạo kỹ sư tài năng về chip bán dẫn

Tại lễ kỷ niệm, Trường Đại học Giao thông vận tải cũng công bố 2 nhóm chương trình đào tạo chiến lược mới của trường được giới thiệu gồm: Đường sắt hiện đại và Vi mạch bán dẫn – những lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn mới.

Cụ thể, Nhà trường mở mới 7 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao, gồm: Chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao - ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông - trình độ kỹ sư; Chuyên ngành Đường sắt và đường sắt đô thị - ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông - trình độ kỹ sư; Chuyên ngành Kỹ thuật phương tiện đường sắt tốc độ cao - ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực - trình độ kỹ sư; Chuyên ngành Hệ thống điện đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị - ngành Kỹ thuật điện - trình độ kỹ sư; Chuyên ngành Điều khiển và thông tin tín hiệu đường sắt hiện đại - ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa - trình độ kỹ sư; Chuyên ngành Khai thác và quản lý đường sắt đô thị - ngành Khai thác vận tải - trình độ cử nhân; Chuyên ngành Khai thác và quản lý đường sắt tốc độ cao - ngành Khai thác vận tải - trình độ cử nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em có khả năng hình thành ký ức tuy nhiên chưa thể lưu trữ hoàn toàn chúng.

Giải mã ký ức của trẻ sơ sinh

GD&TĐ - Những năm đầu đời là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của con người, là lúc mà bộ não bắt đầu hình thành và xây dựng những kết nối phức tạp.