Hòa chung không khí hân hoan của cả nước, sáng 5/9, Trường THCS Tân Phú (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) tổ chức lễ khai giảng năm học 2023 - 2024.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đến dự. Cùng tham dự lễ khai giảng tại Trường THCS Tân Phú có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; ông Nguyễn Long Hải, Bí Thư đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương; ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương…
Phía tỉnh Tiền Giang có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở GD&ĐT...
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai giảng. |
Phát biểu khai giảng năm học mới, cô Lê Thị Mỹ Hằng - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng cho biết: Năm học 2022 - 2023 trường đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào như tỷ lệ tốt nghiệp THCS 100%; học sinh dự tuyển vào lớp 10 đạt 100%; học sinh giỏi 39,77%; học sinh lên lớp thẳng 99,53%. Có 5 học sinh giỏi cấp huyện và 1 học sinh giỏi cấp tỉnh.
Nhà trường vui mừng chào đón 173 học sinh khối 6. Thầy cô tin rằng với niềm tự hào là học sinh Trường THCS Tân Phú, các em sẽ rất chăm ngoan và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao học bổng cho học sinh. |
Tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã gióng hồi trống khai trường trong niềm hân hoan của tập thể sư phạm Trường THCS Tân Phú, học sinh và các đại biểu tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ niềm vui mừng khi về dự lễ khai giảng.
Thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích đạt được rất đáng tự hào của thầy giáo, cô giáo, học sinh Trường THCS Tân Phú và của ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (trái) và đại biểu trao học bổng cho học sinh. |
Trong năm học mới 2023 - 2024, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang cần quan tâm một số nội dung:
Cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tích cực chuyển đổi quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Kết hợp hài hòa giữa dạy chữ và dạy người. Đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, khát vọng cống hiến cho các thế hệ học sinh. Phát triển giáo dục và đào tạo cần gắn kết mật thiết với xây dựng và thực hiện Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và Hệ giá trị con người. Tăng cường giáo dục kỹ năng số để học sinh thích ứng với bối cảnh xã hội số, cuộc sống số. Ưu tiên, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục gắn với chuyển đổi số. Thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả.
Tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục, coi đây là yếu tố then chốt và là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là triển khai thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 và SGK mới. Quan tâm triển khai nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình GDPT 2018, nhằm nuôi dưỡng tình yêu, sự hiểu biết, lòng tự hào của mỗi học sinh đối với mảnh đất quê hương.
Đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ giáo viên các cấp học, bậc học. Cuộc sống hôm nay dẫu còn có những khó khăn, vất vả, nhưng các thầy cô vẫn yêu ngành, yêu nghề, ngày đêm phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang của người giáo viên. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận, đánh giá cao công lao đóng góp của các thầy cô giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
Mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; không ngừng rèn đức, luyện tài cập nhật với yêu cầu đổi mới của ngành và xu hướng tiến bộ của thời đại.
Thầy cô cần dành tình yêu thương cho học sinh, coi sự tiến bộ và trưởng thành của mỗi học sinh là mục tiêu phấn đấu, là hạnh phúc của mình. Công việc dạy học của thầy cô không chỉ là việc truyền, trao tri thức, mà quan trọng hơn là sự truyền cảm hứng, khơi gợi niềm đam mê, hứng thú, khai thác tiềm năng vốn có của mỗi học sinh.
Đại biểu chụp hình lưu niệm tại lễ khai giảng. |
Các em học sinh cần học tập chăm chỉ, lắng nghe thầy cô giảng bài, đối xử tốt với bạn bè, yêu thương, hòa đồng với mọi người, học tập tốt, rèn luyện tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi. Đó là món quà ý nghĩa nhất của các em dành cho bố mẹ và gia đình, thầy cô và nhà trường. Làm sao để từng em học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Các em đi học không chỉ nhằm có kiến thức, để đạt điểm cao, mà quan trọng hơn, để phát triển năng lực bản thân, sống có lý tưởng, có hoài bão, có lòng biết ơn, sự tử tế và tình yêu thương con người. Các em không chỉ học trong sách vở, mà cần học từ thầy cô và bạn bè, từ gia đình và xã hội, từ các hoạt động trải nghiệm thực tiễn sinh động của cuộc sống.
Các bậc phụ huynh học sinh, gia đình và xã hội cần đồng hành với nhà trường và ngành giáo dục. Gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội. Phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong giáo dục truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Tiền Giang trong thời kỳ mới.