Trung tâm cứu hộ gấu thứ 2 tại Việt Nam

GD&TĐ - Vừa qua, Tổ chức Động vật Châu Á thực hiện Lễ Giới thiệu Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II, tại VQG Bạch Mã, với năng lực nuôi cứu hộ hơn 300 cá thể gấu trong môi trường bán tự nhiên.

Dự án Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam 2 tại VQG Bạch Mã - Huế.
Dự án Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam 2 tại VQG Bạch Mã - Huế.

Đại diện của Cục Kiểm lâm, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Ông Nguyễn Quốc Hiệu – Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, thông báo Quyết định phê duyệt Dự án Trung tâm Cứu hộ Gấu cơ sở II do Tổ chức Động vật Châu Á tài trợ. Theo Cục Kiểm lâm, hiện còn khoảng 870 cá thể gấu đang được nuôi trong các cơ sở tư nhân và các hộ gia đình, ngoại trừ các hơn 300 cá thể gấu đã được đưa về các trung tâm cứu hộ gấu do nhà nước quản lý.

Trung tâm cứu hộ gấu thứ 2 tại Việt Nam ảnh 1
Mô hình Trung tâm cứu hộ gấu thứ 2.
Mô hình Trung tâm cứu hộ gấu thứ 2.

Ông Nguyễn Vũ Linh, giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã phát biểu: “ Với quy mô nuôi hơn 300 cá thể gấu tại Trung tâm cứu hộ Gấu ở Bạch Mã, tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật; và quan trọng hơn là các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt sẽ được chuyển về đây và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. … Rồi đây, khi Trung tâm đưa vào hoạt động, người dân địa phương sẽ có thêm công ăn, việc làm và thêm thu nhập; VQG Bạch Mã sẽ có thêm địa chỉ tham quan, thêm mô hình học tập và nâng cao nhận thức cho du khách và cộng đồng địa phương về trách nhiệm và sự tham gia bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và các loài gấu nói riêng.”

TS. Jill Robinson MBE, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á phát biểu tại buổi lễ.
TS. Jill Robinson MBE, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á phát biểu tại buổi lễ.

Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cơ sở II tại Vườn quốc Gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế, mà Tổ chức Động vật Châu Á sắp đầu tư xây dựng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các cơ quan ban ngành có liên quan phê duyệt.

Trung tâm sẽ được đặt ở Khu hành chính của Vườn Quốc Gia Bạch Mã, với diện tích 12,7 ha. Trung tâm mới dự kiến hoàn thành toàn bộ các hạng mục vào năm 2026 với 12 nhà gấu và 12 khu bán hoang dã, khu hành chính và nghỉ dưỡng cho nhân viên, khu cách ly, khu bệnh viện thú y, khu chế biến thức ăn cho gấu, khu giáo dục truyền thông, khu xử lý chất thải và các khu tiện ích cơ sở hạ tầng khác.

Trung tâm sẽ nuôi cứu hộ hơn 300 cá thể gấu tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân, các vụ vi phạm và sẽ chấm dứt việc nuôi gấu trong tư nhân vào cuối năm 2026. Loài gấu tại Việt Nam sẽ được bảo tồn bền vững qua việc nhận thức của cộng đồng về bảo vệ loài gấu được nâng cao và lồng ghép vào chương trình nghiên cứu tái thả và bảo tồn loài gấu trong tự nhiên. Tổ chức Động vật Châu Á viện trợ không hoàn lại 10,5 triệu Đô la Mỹ (tương đương 242,5 tỷ Đồng).

Tổ chức Động vật Châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước và đưa toàn bộ gấu về các cơ sở cứu hộ, lộ trình từ 2017 tới 2022. Trong khi đó, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam do Tổ chức Động vật Châu Á đang vận hành và tài trợ tại Tam Đảo đang dần vận hành hết công suất cứu hộ. Mặc dù trên cả nước, hiện có một số Trung tâm Cứu hộ khác có khả năng cứu hộ gấu, nhưng không một trung tâm nào có thể đảm bảo công suất cứu hộ với số lượng toàn bộ 300 cá thể còn lại.

TS. Jill Robinson MBE, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á chia sẻ: “Với Tổ chức Động vật Châu Á, và những nhà bảo trợ, ủng hộ chúng tôi trên toàn thế giới, đây là một khoảnh khắc vô cùng tự hào. Với sự hỗ trợ, đồng hành, hợp tác của Chính phủ Việt Nam, Tổ chức Động vật Châu Á đã có một bước tiến lịch sử trong công tác bảo vệ động vật hoang dã toàn quốc. Ngày hôm nay, chúng ta tự hào rằng rằng lòng dũng cảm, sự đồng cảm, sự kiên trì và quyết tâm đã và sẽmang lại sự thay đổi đáng kể, khi chúng ta cùng thúc đẩy và chứng minh con đường phía trước trong việc cứu giúp một trong những loài vật quý hiếm, đang bị tổn thương nhiều nhất trên thế giới.”

Lễ giới thiệu có sư tham dự và ủng hộ của nhiều nhà tài trợ là những nghệ sỹ nổi tiếng như: Nhà biên kịch Australia Jan Sardi , các ngôi sao điện ảnh Mỹ: Tara Buck, Torrey Joël DeVitto, Marina Squerciati, diễn viên Josh Packham, nhiếp ảnh gia Katarina Benzova.

Hơn 300 cá thể gấu vẫn còn bị mắc kẹt trong các trang trại, thường xuyên bị lấy mật bằng các kỹ thuật xâm lấn và đau đớn, thời gian không chờ đợi chúng, và sự sống sót của gấu đang bị đe doạ nghiêm trọng. Vì vậy, Tổ chức Động vật Châu Á kêu gọi tất cả những người yêu động vật trên khắp thế giới ủng hộ và đóng góp giúp đỡ cho quá trình xây dựng Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cơ sở II tại Việt Nam và cho mọi cá thể gấu vẫn đang bị trích hút có cơ hội cảm nhận cỏ dưới chân, kiếm ăn và chơi đùa và được thực sự sống cuộc đời của gấu, trước khi quá muộn.

Tổ chức khởi động chiến dịch gây quỹ trên toàn thế giới, với khẩu hiệu #Nobearleftbehind – Không để một cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau, với một bộ phim hoạt hình sẽ được công chiếu lần đầu trong sự kiện tại Việt Nam và trên mạng xã hội vào ngày 27/5. Phim do hoạ sỹ Nguyễn Cẩm Anh và ekip sản xuất và được lồng tiếng bởi nữ Đại sứ của Tổ chức Động vật Châu Á, diễn viên Maggie Q, bản tiếng Việt do MC Khánh Trang thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.