Việc Bắc Kinh dự định xây dựng mạng lưới đường sắt tốc độ cao xuyên qua eo biển Đài Loan trong kế hoạch năm năm kế tiếp đã hé lộ một chiến lược dài hạn mới của ông Tập Cận Bình đối với Đài Loan. Đó là nhận định mới nhất của các nhà phân tích trong các chính sách của Trung Quốc.
Cụ thể, tuyến đường sắt dài 126 km từ - khu vực tự do mậu dịch Bình Đàm thuộc tỉnh Phúc Kiến sẽ được nối dài với Đài Bắc nhằm thúc đẩy thương mại giữa đại lục với Đài Loan. Đây sẽ là đường hầm xe lửa dài nhất thế giới nếu được “bật đèn xanh”.
Theo kế hoạch năm năm lần thứ 13 giai đoạn 2016-2020, dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2030.
Bắc Kinh dự định sẽ xây dựng mạng lưới đường sắt tốc độ cao xuyên qua eo biển Đài Loan trong kế hoạch năm năm kế tiếp. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
"Tuyến Bình Đàm - Đài Bắc là một phần của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Đài Bắc vốn đã được nghiên cứu trong hơn một thập kỷ qua. Phần đất liền đã được hoàn thành trong khi một phần nối với Đài Loan đang chờ phê duyệt từ phía đảo", khu trưởng biệt khu kinh tế Bình Đàm ông Zhang Zhaoming cho biết tại một cuộc thảo luận Quốc hội nhân dân ngày 06-3.
"Không có rào cản kỹ thuật đối với các tuyến đường sắt qua eo biển. Chúng tôi đã thu thập được nhiều lời khuyên từ các chuyên gia về eo biển Đài Loan. Họ đã thực hiện nghiên cứu và gặp nhau định kỳ một năm trong suốt một thập kỷ qua".
Hiện tại, dự án đang gây tranh cãi ở Đài Loan. Tuy nhiên một quan sát viên tại Đài Bắc Wang Shing-ching cho biết Đài Loan có thể sẽ được lợi nhiều hơn nếu đại lục thuyết phục được công chúng cho xây dựng tuyến đường sắt.
"Tại Đài Loan, công chúng đang chú tâm vào các vấn đề kỹ thuật, nhưng những người nhìn thấy được chiến lược lâu dài trong quan hệ hai bờ eo biển có thể sẽ chấp nhận giá trị của tuyến đường này." Wang cho biết. "Dự án này cho thấy Trung Hoa đại lục đang tự tin rằng bà Thái Anh Văn sẽ không phủ nhận Đồng thuận năm 1992 trong bài diễn văn nhậm chức sắp tới vào ngày 20-5."