Những đoạn trích dẫn và lập luận như thế là phi lý, phản khoa học. Đó là một cách ngụy biện để che đậy những hành vi ngang ngược, trái với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Trung Quốc cố tình “nhận vơ” Hoàng Sa và Trường Sa
Cho đến nay, có thể nói Trung Quốc hoàn toàn ỷ thế nước lớn, đưa ra yêu sách vô lý chẳng ai công nhận, để chiếm giữ những hòn đảo, quần đảo bằng vũ lực. Bây giờ lại đưa giàn khoan ra, đầy tàu chiến xung quanh, họ cậy đông họ làm thế.
Theo GS Vũ Minh Giang, từ thế kỷ 17, hai quần đảo này xuất hiện trên các bản đồ của Việt Nam với tên gọi Việt Nam (Cồn Vàng hay Bãi Cát Vàng) mà sau này trở thành tên chính thức trong văn bản nhà nước là Hoàng Sa.
Trên các hải đồ do các các nhà hàng hải phương Tây vẽ, hai quần đảo này với các tên Paracels và Pratley đều được thể hiện là một bộ phận của nước Việt Nam. Trong khi Trung Quốc nói họ có chủ quyền từ trước công nguyên, từ thời Hán là vô căn cứ.
GS phân tích: Thực ra, người Trung Quốc đi tìm chứng cớ lịch sử để “nhận vơ” Hoàng Sa - Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) là của mình mới từ giữa thế kỷ 20. Trong 24 bộ Sử chính thống đồ sộ của họ không hề có tên hai quần đào trên.
Bản đồ chính thức của học vẽ đầu thế kỷ 20 cũng chỉ ra Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc. Cuốn sách "Ngã quốc nam hải chư đảo sử liệu hối biên” do nhóm Hàn Chấn Hoa biên soạn không đưa ra được một bằng chứng lịch sử thuyết phục nào về việc Trung Quốc đã thực thi chủ quyền trên hai quần đảo.
Họ đề cao cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, theo đó, từ thế kỷ II trước công nguyên, vùng đất nay là trung Trung bộ của Việt Nam, từng là một quận của nhà Hán (quận Nhật Nam) và như vậy, vùng biển, các đảo thuộc quận này đương nhiên là của Trung Quốc.
Kiểu lý sự này hết sức phi lý và phản khoa học, nếu không nói là rất phản động và đậm chất thực dân. Khi lập luận như vậy họ cũng đã cố tình quên rằng cả nước Trung Hoa đã từng nằm dưới ách cai trị của người Mông Cổ từ năm 1271 đến năm 1368.
Theo cách lý sự đó, người Mông Cổ hoàn toàn có thể đòi chủ chủ quyền lịch sử đổi với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.
GS Vũ Minh Giang trong chuyến công tác đến đảo Trường Sa. Ảnh: GS V.M. Giang cung cấp. |
Họ viện dẫn các sách Lĩnh ngoại đại đáp, Chư phiên chí những đoạn nói về hai quần đảo Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Ðường (mà sau này Trung Quốc nói là tên khác của Tây Sa và Nam Sa). Đấy là những do người Trung Quốc viết, nhưng tên gọi của những sách (“Lĩnh ngoại” “Chư phiên”) đều chuyện về các nước xung quanh mình.
Do vậy, những mô tả về biển đảo hoặc hải trình đi tới các nước các nước như Giao Chỉ, Chiêm Thành, Chân Lạp thì tên các quần đảo Thiên Lý Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường (mà Trung Quốc cho là Tây Sa và Nam Sa) được nhắc đến để chỉ vị trí hoàn toàn không có ý nghĩa nào trong việc xác định chủ quyền của Trung Quốc. Đấy là chưa kể từ ngữ dùng trong các sách này cho thấy tác giả cũng chỉ nghe truyền lại (truyền văn), chứ không biết đích xác ra sao.
Họ cũng dẫn ra các sự kiện đại loại như việc thủy quân nhà Nguyên đi qua “Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường” để nói họ thực thi chủ quyền trên hai quần đảo. Thực ra đây là sự kiện quân Nguyên (quân Mông Cổ mà bây giờ Trung Quốc nhận là một triều đại của minh) trên đường đi đánh Java năm 1293.
Hay việc vua Nguyên sai người đo đạc thiên văn ở 27 nơi trên một phạm vi rất rộng, phía Đông đến Cao Ly, phía Tây đến Điền Trì, phía Nam qua Chu Nhai, phía Bắc đến Thiết Lặc (Siberi), trong đó có một điểm tương đương với Hoàng Sa của Việt Nam để cho rằng, vào thời Nguyên họ có chủ quyền của trên quần đảo Hoàng Sa.
Với đà lập luận như vậy, đến một lúc nào đó, khi có điều kiện Trung Quốc có thể chứng minh chủ quyền của họ trên lãnh thổ Hàn Quốc và LB Nga.
Trung Quốc đặc biệt đề cao cái gọi là “phát kiến hàng hải” của Trịnh Hòa, người đã bảy lần vượt biển xuống Đông Nam Á, sang đến Ấn Độ Dương, qua Hồng hải tới các nước Ả Rập và thậm chí xuống đến tận bờ biển Đông Phi.
Họ cho đây là bằng chứng hùng hồn của việc thực thi chủ quyền trên biển Đông và với hai quần đảo. Nhưng họ quên rằng Trịnh Hòa đã công phu vẽ lại cuộc hành trình của mình thành hàng trăm tấm hải đồ.
Trên hải đồ vẽ đoạn đi ngang qua Việt Nam, chú thích ở dưới ghi một hàng chữ nhỏ Giao chỉ dương /Biển Giao Chỉ (交阯洋). Giao Chỉ là tên gọi Việt Nam theo cách của Trung Quốc.
Nhưng phi lý nhất, ngang ngược nhất của Trung Quốc chính là yêu sách “đường lưỡi bò”.
Đường lưỡi bò ở đâu ra?
Bản đồ đường lưỡi bò "9 đoạn" của Trung Quốc. Ảnh GS Vũ Minh Giang cung cấp. |
Thực tế không ai biết đường lưỡi bò ấy có từ bao giờ, nhưng nhìn vào bản đồ có in đường lưỡi bò vẽ tay đó thì người ta tính niên đại nó không thể sớm hơn 1920.
Bản đồ vẽ tay này không rõ tác giả, có thể do một ai đó vẽ vu vơ. Khi Trung Quốc tìm thấy bản vẽ tay này trong kho bản đồ, giở ra thấy có đường lưỡi bò thỏa mãn tâm lý bành trướng của họ, nên họ cho in thành bản đồ chính thức vào năm 1948 – một niên đại rất muộn so với những bản đồ của Việt Nam.
“Thực ra, đường lưỡi bò lúc đầu là 11 đoạn. Ai đó vô danh vẽ bằng tay một đường lưỡi bò 11 đoạn, ôm trọn cả Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Đến 1953, CHND Trung Hoa lại in bản đồ đó một lần nữa và vì thấy quá vô lý nên cho bỏ 2 đoạn đi thành 9 đoạn nên nó cụt ngủn và trông rất buồn cười” – GS Vũ Minh Giang nói.
Trong thế kỷ 20, để chứng minh cho "đường lưỡi bò”, các học giả Trung Quốc viện dẫn lại câu chuyện Đô đốc nhà Thanh là Lý Chuẩn đưa quân ra một hòn đảo ở phương Nam và kéo cờ, bắn pháo vào năm 1909 và coi đó là mốc thời gian xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.
Tuy nhiên, theo GS Vũ Minh Giang, sự kiện này không có ý nghĩa vì thời điểm diễn ra vào đầu thế kỷ XX, khi mà Việt Nam đã có rất nhiều tư liệu khẳng định chủ quyền và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đó nhiều thế kỷ.
Đến tận đời nhà Thanh vẫn từ chối Hoàng Sa, Trường Sa
GS.TSKH Vũ Minh Giang |
GS Giang kể tiếp: Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa một cách thô bạo. Sự kiện này đã được thế giới biết đến.
Ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc đã cử một đoàn nghiên cứu lịch sử, khảo cổ trong đó có GS Hàn Chấn Hoa ra khảo sát một số đảo. Ông đã đề cập tới ngôi chùa có tên Hoàng Sa tự trên đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm theo tên của Việt Nam).
Nực cười ở chỗ là: Họ mừng rỡ vì tên chùa và các câu đối viết bằng chữ Hán, nên cho đó là do người Trung Quốc xây chùa. Nhưng thực tế thì ngôi chùa này đã được Vua Minh Mệnh ra lệnh xây.
Người được giao phụ trách công việc này là cai đội Phạm Văn Nguyên. Lính và dân phu hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi đã chuyên chở vật liệu từ đất liền ra xây. Sự kiện này đã được ghi chép trong bộ “Đại Nam thực lục chính biên”.
Sau năm 1974, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh việc tuyên truyền, các biện pháp ngoại giao và gia tăng sức ép quân sự để đơn phương khẳng định chủ quyền của mình không chỉ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn với phần lớn Biển Đông thông qua yêu sách đường 9 đoạn.
Trong khi đó thì tới tận cuối thế kỷ 19, vẫn còn những văn bản lưu giữ cho thấy, khi có tàu bè đi qua vùng Biển Đông, bị đắm hoặc bị cướp bóc, các thuyền trưởng nước ngoài đến gặp các quan chức ở đảo Hải Nam nhờ giúp đỡ hoặc xác nhận để mang về báo cáo với chủ hang thì đã bị họ từ chối thẳng thừng vì cho rằng đó không thuộc phạm vi địa lý của họ.
“Không hiểu sao nhóm nghiên cứu của ông Hàn Chấn Hoa không lấy đó là "chứng cứ” rằng cho tới tận thời nhà Thanh, chính quyền đâu có thừa nhận "Tây Sa” là của họ!” – GS Vũ Minh Giang cho hay.
Tất cả các bản đồ trước năm 1948 của Trung Quốc, không có bộ bản đồ nào, dù là của người nước ngoài vẽ hay của Trung Quốc tự vẽ lại có Trường Sa, Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Tam Sa) xuất hiện với tư cách là địa dư của Trung Quốc, mà đều khẳng định đến Hải Nam là tận cùng của đất nước họ.
Việc “bỗng dưng” xuất hiện “đường 9 đoạn” đang được họ dùng như một "căn cứ không thể chối cãi” nhưng nó lại hoàn toàn phi lý và phản khoa học.
Có thể nói, những "chứng cứ” của Trung Quốc đưa ra trong suốt cả mấy nghìn năm trước lẫn trong thế kỷ 20 đều vô căn cứ, thiếu lý lẽ khoa học và cũng không có gì mới, chủ yếu vẫn chỉ là những tuyên bố theo kiểu "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi”.