Trung Quốc: Trưng dụng giáo viên nghỉ hưu để cải thiện giáo dục nông thôn

GD&TĐ - Sở GD tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc có kế hoạch tuyển 262 GV nghỉ hưu dưới 65 tuổi, gồm các hiệu trưởng, GV giàu kinh nghiệm ở một số khối lớp cụ thể nhằm giúp nâng cao chất lượng GD ở các huyện nghèo trong tỉnh. Đây liệu có phải là một giải pháp hoàn hảo?

Một GV cao tuổi đang đứng lớp.
Một GV cao tuổi đang đứng lớp.

Giải pháp thiết thực

Kế hoạch phải tuyển GV đã nghỉ hưu là một nỗ lực nhằm cải thiện GD ở vùng nông thôn. Vì lý do kinh tế - xã hội, các trường học ở vùng xa xôi, kém phát triển thường thiếu GV giỏi và tụt hậu về phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất và quản lý so với các trường vùng đô thị.

Các nhà quản lý GD hy vọng những GV kỳ cựu này có thể đóng góp kinh nghiệm giảng dạy phong phú của mình tại các trường trên. Họ có thể chọn đứng lớp hay dự giờ để đánh giá và đưa ra hướng dẫn cho GV địa phương. Các GV cao tuổi sẽ ký hợp đồng từng năm một, nếu họ dạy tốt, họ được khuyến khích kéo dài hợp đồng.

Thiểm Tây không phải là nơi đầu tiên đưa ra chương trình này. Một số tỉnh khác cũng đã triển khai các kế hoạch tương tự, mang lại hiệu quả tích cực.

Đây được xem là kế hoạch nhìn xa trông rộng. Nhiều GV phải nghỉ hưu khi vẫn có thể đóng vai trò lớn trong việc dạy học, nhưng không làm được vì đã tới tuổi nghỉ hưu. Một số thậm chí cảm thấy chán nản vì phải rời bục giảng mà họ vô cùng yêu thích. Nói cách khác, đây là một sự lãng phí kinh nghiệm và nguồn lực quý giá.

Kế hoạch trên nhắm vào các huyện nghèo, đặc biệt là ở vùng xa xôi, kinh tế kém phát triển. Sự thiếu hụt nguồn lực GD là một yếu tố chính dẫn đến tình trạng nghèo đói ở địa phương. Kế hoạch này có thể hỗ trợ về mặt GD, văn hóa, khoa học và các hình thức tri thức khác. Hiểu rộng hơn, đây là một phần trong chiến lược xóa đói giảm nghèo của đất nước.

Trong khi đó, kế hoạch trên còn cung cấp một nền tảng cho GV nghỉ hưu muốn cống hiến những năm tháng quý báu của mình cho GD, đồng thời mở ra cơ hội mới cho họ. Khi nghỉ hưu, nhiều người cao tuổi có rất ít việc để làm và điều này có thể khiến nhiều người không thoải mái. Khi có những nơi mới để đến cống hiến kinh nghiệm và kiến thức của mình, họ sẽ cảm thấy mình được trân trọng hơn cuộc sống ở nhà.

GV vùng nông thôn thường chịu áp lực nhiều hơn và có thu nhập ít hơn so với đồng nghiệp thành thị, đặc biệt là ở vùng nghèo đói, xa xôi. Nhiều GV trẻ không thấy lợi ích từ nghề nghiệp của mình và mau chóng bỏ việc. Kết quả là chất lượng GD ở những vùng này ngày càng đi xuống.

Ở mức độ nào đó, kế hoạch trên giải quyết được vấn đề thiếu nguồn lực. Tuy có những lo ngại khác, GV về hưu quá già để có thể làm tốt công việc, nhưng những cá nhân được lựa chọn sẽ đều trải qua một quy trình nghiêm ngặt. Họ phải đáp ứng được trình độ chuyên môn nhất định và có đủ khả năng làm việc. Khi tình nguyện đi tới vùng nông thôn, họ đã thể hiện cam kết với công việc và nhiệt huyết khi đóng góp kinh nghiệm cho các trường học nông thôn.

Những thách thức

Cơ sở vật chất nghèo nàn trong lớp học ở vùng sâu, vùng xa Trung Quốc.
Cơ sở vật chất nghèo nàn trong lớp học ở vùng sâu, vùng xa Trung Quốc.

Tận dụng tiềm năng của GV nghỉ hưu sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng vẫn có một số thách thức trước khi kế hoạch có thể triển khai rộng rãi. Vấn đề là làm thế nào để tìm được GV cao tuổi tâm huyết, sẵn sàng gắn bó lâu dài ở vùng nông thôn. Quan trọng nhất, họ phải được trả lương đúng hạn.

Bộ GD đang trợ cấp 20.000 tệ/GV (khoảng 67 triệu đồng) mỗi năm và nếu địa phương có thêm trợ cấp, họ có thể sử dụng những GV này. Số tiền này không lớn đối với GV cao tuổi. Nếu tiền là động lực chính để GV dạy học ở vùng nông thôn thì mức thù lao trên không đủ thuyết phục họ. Chỉ những người tha thiết với GD nông thôn và quan tâm tới sự tiến bộ của những vùng này mới chọn ra đi.

Vấn đề thứ 2 là làm thế nào để chọn được GV đủ tiêu chuẩn. Để bảo đảm họ cung cấp GD chất lượng tuyệt vời cho HS, cần thiết lập cơ chế đánh giá hợp lý.

Trong trường hợp ở Thiểm Tây, GV có thể chọn đứng lớp, đánh giá công việc của GV khác, tổ chức bài giảng, hội thảo mở, đưa ra hướng dẫn và giúp các trường cải thiện công tác quản lý. Phương pháp linh hoạt này sẽ giúp tận dụng chuyên môn của từng GV cao tuổi trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương.

Thiểm Tây yêu cầu việc tuyển chọn tập trung vào hiệu trưởng, GV một số khối lớp cụ thể hoặc GV “xương sống” - những người có kinh nghiệm và có thể dạy một loạt các môn chính. Đến nay, gần như tất cả GV nghỉ hưu được tuyển đều là người có chuyên môn cao. Họ không chỉ đứng lớp mà còn giúp cải thiện việc quản lý tổng thể của các trường học nông thôn. 

Giải pháp chưa hoàn hảo

Trường học nơi xa xôi thường ít GV giỏi.
Trường học nơi xa xôi thường ít GV giỏi.

Tuy kế hoạch giúp cung cấp GV giàu kinh nghiệm trong một khoảng thời gian, nhưng nó không có tác dụng lấp đầy khoảng trống. Điều này còn phụ thuộc vào ngân sách nhằm cải thiện cơ sở vật chất và tăng lương cho GV để các trường có thể thu hút GV đi tới vùng nông thôn.

Để giải quyết những bất cập của GD nông thôn, cần phải có nguồn lực được tạo ra từ địa phương. Hơn nữa, GV nghỉ hưu sẽ không ở lại lâu ở bất kỳ trường nào. Tại Thiểm Tây, thời hạn hợp đồng là một năm, rất có thể một số GV sẽ nghỉ việc khi đó và gây xáo trộn về nhân lực giảng dạy.

HS sau đó phải thích nghi với GV mới sau một năm làm quen với phương pháp dạy của GV trước đó. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến HS địa phương và cần được xem xét.

Ngoài ra, GV cao tuổi được cho là không nhiều năng lượng như đồng nghiệp trẻ hơn và họ có thể bị hạn chế về kiến thức đối với phương pháp giảng dạy hiện đại, đặc biệt là phương pháp liên quan tới Internet. 

Theo China.org

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.