Trung Quốc trắng trợn vu khống tàu Việt Nam đâm va 1.416 lần

Hôm 8/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục ban hành thông cáo ngang ngược về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và hoạt động của giàn khoan trái phép Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển gần giàn khoan trái phép Hải Dương-981. Ảnh: Reuters
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển gần giàn khoan trái phép Hải Dương-981. Ảnh: Reuters

Tân Hoa Xã dẫn toàn bộ thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc với tựa đề “Hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981: Hành động khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc”.

Trong thông cáo, Trung Quốc vu cáo Việt Nam rằng: “Việt Nam đã điều một số lượng lớn các tàu gồm tàu vũ trang tới khu vực giàn khoan làm gián đoạn hoạt động thăm dò thông thường đồng thời đâm tàu chính phủ mà Trung Quốc phái tới để hộ tống Hải Dương 981 và thực hiện nhiệm vụ an ninh gần đó. 

Việt Nam còn gửi cả người nhái và các vật cản gồm lưới đánh cá cùng vật nổi nhằm cản trở các tàu Trung Quốc hoạt động trong khu vực này".

Trắng trợn hơn nữa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bóp méo sự thật rằng, tính tới 17h ngày 7/6, vào lúc cao điểm, 63 tàu thuyền Việt Nam đã hiện diện trong khu vực giàn khoan, cố gắng vượt qua hàng rào tàu Trung Quốc và đâm tàu của họ với tổng số 1.416 lần.

Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Kiểm ngư Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hôm 7/6, Trung Quốc tiếp tục duy trì lực lượng với khoảng 120 tàu, tổ chức thành nhóm sẵn sàng đâm va, hú còi, phun vòi rồng vào các tàu Kiểm ngư Việt Nam. 

Lúc 14h, tàu kéo Trung Quốc đã đâm trực tiếp vào mạn trái tàu Kiểm ngư của Việt Nam. Ngoài ra, lực lượng Kiểm ngư cũng phát hiện một máy bay Y-8 hoạt động trinh sát nhiều vòng trong khu vực giàn khoan ở độ cao khoảng 250 - 300 m.

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã khiến dư luận, học giả, giới truyền thông thế giới bất bình suốt hơn một tháng qua. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã khiến dư luận, học giả, giới truyền thông thế giới bất bình suốt hơn một tháng qua. Ảnh: Tân Hoa Xã

Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tiếp tục biện hộ cho hành động ngang ngược của họ khi cho rằng, hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) hiện nay là sự tiếp nối của quá trình thăm dò kéo dài 10 năm qua tại vùng biển thuộc “chủ quyền và tài phán của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, một sự thật không thể chối cãi là từ khi hạ đặt phi pháp giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam hôm 2/5, Trung Quốc không những vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ truyền thông, chuyên gia quốc tế mà ngay cả sự phi lý và dối trá của “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh dùng để tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông cũng bị vạch trần.

Về lập trường của Trung Quốc, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên cho rằng, nước này đã thực hiện “sự kiềm chế tối đa” và đưa ra các phương án phòng vệ cần thiết trên biển.

Trên thực tế, nhiều hình ảnh do lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, phóng viên trong và ngoài nước ghi nhận từ hiện trường cho thấy, Trung Quốc luôn là bên gây sự, đâm va, gây gổ với tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống. 

Tờ Times of India và thông tấn AFP cho biết, ngày 6/6, trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, phía Việt Nam đã công bố đoạn video bằng chứng cho thấy cảnh chiếc tàu cá bọc sắt Trung Quốc nhấn chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam tại khu vực gần giàn khoan phi pháp.

Cũng trong thông cáo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lý sự về chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (phía Trung Quốc gọi là Tây Sa). Thông cáo cho rằng, Trung Quốc là người đầu tiên khám phá, phát triển, khai thác và thực hiện quyền tài phán đối với quần đảo Hoàng Sa.

“Trong triều đại Bắc Tống (960 - 1126 sau công nguyên), chính phủ Trung Quốc đã thiết lập thẩm quyền đối với quần đảo Tây Sa và phái lực lượng hải quân tới vùng biển này để tuần tra. 

Năm 1909, Tư lệnh Li Zhun của lực lượng hải quân Quảng Đông thời nhà Thanh đã dẫn đầu đoàn thanh tra vụ quân sự tới quần đảo Tây Sa và tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc bằng cách cắm cờ và bắn một loạt đạn trên đảo Yongxing”, Tân Hoa Xã dẫn thông cáo cho hay.

Tuy nhiên, một lần nữa, những lời biện minh của Trung Quốc lại tự mâu thuẫn với chính họ vì trong sử sách nước này chưa từng xuất hiện quần đảo Hoàng Sa và các đảo khác. 

Trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tống Thần Công, Minh Thành Tổ đến giữa thế kỷ XX (1951), tài liệu chính sử Trung Quốc chưa bao giờ cho thấy chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) của Việt Nam trên Biển Đông.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ