Xếp hàng từ 3 giờ sáng để có chỗ học
Do ngày càng có nhiều người cao tuổi muốn học tại các trường ĐH cộng đồng vì chi phí thấp, nội dung phong phú và gần nhà, để vào học đang ngày càng trở nên khó khăn.
Việc xếp hàng để đăng ký các khóa học và thức khuya để giữ một chỗ học trong lớp đã trở nên phổ biến trong mùa tuyển sinh tại nhiều trường ĐH – hãng tin Tân Hoa Xã cho biết.
Trong thực tế, nhu cầu về chỗ học cho người cao tuổi tại một số khu vực đã vượt xa nguồn cung.
Tại ĐH Công dân cao tuổi Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, hơn 20.000 người đã đăng ký các khóa học trong học kỳ mới, trong đó chỉ tiêu chỉ khoảng 2.000. Tại Thượng Hải, một số trường ĐH địa phương đã chứng kiến dòng người chờ đợi từ 3-4 giờ sáng.
Một SV có tên Chen Li tại ĐH công dân cao tuổi Dongchen ở Bắc Kinh cho biết năm ngoái, bà không đăng ký được vào trường nhưng năm nay đã cố gắng tìm được một chỗ.
“Vẫn còn rất nhiều người ngoài kia muốn tham dự các khóa học và đủ tiêu chuẩn để đăng ký, nhưng vì các lớp học đã đầy, họ vẫn phải đợi. Mỗi mùa xuân và mùa thu trước khi kỳ học mới bắt đầu, mọi người xếp hàng dài tới 10 mét để đăng ký” – bà nói.
Ở Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, bà Xu Guichun đã tham dự các khóa học về thư pháp, đàn nhị - một nhạc cụ 2 dây của Trung Quốc – tại ĐH Công dân cao tuổi Hồ Châu từ năm ngoái.
“Tôi tham gia lớp học mỗi tuần một lần và học phí không đắt lắm, trung bình mỗi buổi chỉ tốn 10 tệ (1,4 USD)” – bà Xu nói. Theo bà Xu, trường ĐH của bà được rất nhiều người cao tuổi biết đến và ngày nay, trường chỉ chấp nhận các đơn nộp trực tuyến, do đó mọi người không phải xếp hàng chờ đợi.
Học để thêm sắc màu cho cuộc sống
Đối với người cao tuổi, theo học một trường ĐH thường không phải nhằm đạt được các kỹ năng chuyên nghiệp hay một tấm bằng, tuy nhiên đây là một cách để giữ liên lạc với xã hội và mang thêm sắc màu cho cuộc sống của họ.
Nhiều SV tại các trường cho công dân cao tuổi cho biết họ đăng ký vì đã không học ĐH khi còn trẻ và muốn học khi họ nghỉ hưu. Họ cho biết học tại trường ĐH công dân cao tuổi khiến họ cảm thấy họ không già và vẫn có thể hoàn thành nhiều thứ trong cuộc sống.
Các trường ĐH dành cho người cao tuổi bắt đầu xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu, các trường này nhắm vào những cán bộ hưu trí trên cả nước, sau đó các trường được mở cho tất cả những người cao niên.
Con số thống kê từ Hiệp hội các trường ĐH Trung Quốc dành cho người cao tuổi cho thấy có 76.000 trường ĐH công dân cao tuổi với hơn 13 triệu SV cao niên.
Tuy nhiên, so với số người cao tuổi 250 triệu người trên cả nước thì số trường ĐH dành cho họ hiện rất thiếu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội trên, ông Zhan Xiaolin, hiện nay, đa số các trường ĐH dành cho công dân cao tuổi đều ở các thành phố và hầu hết SV đều là cán bộ và chuyên gia đã nghỉ hưu. Trong khi đó, các vùng kém phát triển và xa xôi đang thiếu tài nguyên GD dành cho người cao tuổi.