Trung Quốc: Tân cử nhân chi trăm triệu để tìm việc làm

GD&TĐ - Làm việc tại ngân hàng hay lĩnh vực đầu tư tài chính là mục tiêu phấn đấu của không ít sinh viên Trung Quốc.

Người trẻ Trung Quốc gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm.
Người trẻ Trung Quốc gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm.

Vì thị trường việc làm ảm đạm, nhiều em sẵn sàng chi hàng trăm triệu để giành suất tại các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ, Trung Quốc.

Số lượng tân cử nhân năm 2020 tại Trung Quốc tăng kỷ lục 9,1 triệu người. Tỷ lệ cạnh tranh tiếp tục tăng vì hàng loạt du học sinh trở về nước do tác động của đại dịch Covid-19. Đón đầu những khó khăn trên, các công ty tư vấn việc làm mọc lên như nấm.

Với mức phí 12.000 USD (khoảng 270 triệu đồng), các công ty có thể giúp sinh viên giành cơ hội thực tập và làm việc tại các công ty nổi tiếng Phố Wall (bang New York, Mỹ), như Goldman Sachs Group, Citigroup hay tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. 

Cố vấn tại các công ty sẽ giúp sinh viên kết nối với nhân viên trong các tập đoàn, doanh nghiệp dự định làm việc. Ngoài ra, họ hướng dẫn các em lập chiến lược làm việc, xây dựng mạng lưới mối quan hệ hay viết thư giới thiệu. Từ đó, tăng khả năng được chấp nhận thực tập và làm việc cho các tập đoàn tài chính lớn.

Được thành lập vào năm 2013 tại thành phố Thành Đô, Trung Quốc, Công ty tư vấn DreambigCareer có 4.000 khách hàng vào năm 2020, tăng 4 lần trong 4 năm qua.

Joseph Guo, đồng sáng lập, CEO của công ty cũng từng là chủ ngân hàng nên nhanh chóng nắm bắt vấn đề việc làm của cử nhân Trung Quốc. Ông đã xây dựng gói Blackbelt, dành cho cho sinh viên năm nhất, năm hai đại học nhằm giúp các em tìm cơ sở thực tập chất lượng.

Phí dịch vụ tư vấn dành cho sinh viên dao động từ vài trăm USD tới hơn 10.000 USD, thấp hơn mặt bằng chung trong ngành. Công ty đã giúp sinh viên nhận được hơn 6.000 lời mời từ các doanh nghiệp tài chính tên tuổi.

Joseph đánh giá dịch vụ này không gia tăng sự bất công mà mở rộng cơ hội để sinh viên Trung Quốc làm việc tại các doanh nghiệp, ngân hàng nước ngoài.

Thông tin của các nhà cố vấn đều được giữ kín. Họ thường đào tạo sinh viên trực tuyến, thời lượng khoảng 100 giờ cho đến khi sinh viên được các tập đoàn tài chính chấp nhận.

Một công ty khác tương đối nổi tiếng trong giới “mai mối” thực tập là Wall Street Tequila, trụ sở tại thành phố Thượng Hải. Công ty này quảng cáo đã giúp hơn 3.000 sinh viên tìm được việc làm với mức lương một triệu nhân dân tệ.

Trong giai đoạn 2015 - 2017, công ty đã giúp hơn 1/2 khách hàng nhận được công việc tại các ngân hàng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, công ty từ chối tiết lộ tỷ lệ thành công của các gói tư vấn.

Hiện, dịch vụ tư vấn việc làm như Dreambig Career và Wall Street Tequila đang bị chỉ trích vì tạo nên sự bất bình đẳng trong cơ hội tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tài chính được nhắc đến trong quảng cáo của các công ty tư vấn đều phủ nhận có mối liên hệ với họ.

Đại diện Tập đoàn Citic khẳng định nguồn đăng tải thông tin tuyển dụng duy nhất là trên trang web tìm kiếm việc làm chính thức của tập đoàn.

Tất cả ứng viên đều được đối xử công bằng. Kết quả tuyển dụng phụ thuộc vào khả năng của họ. Tập đoàn Goldman Sachs Group cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Isabel Xu, 25 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Johns Hopkins, là một trong những ứng viên may mắn được nhận thực tập tại một công ty môi giới hàng đầu Trung Quốc nhờ thực lực.

Xu nhận xét: “Được làm quen với nhân viên tại các tập đoàn, doanh nghiệp tài chính từ sớm là rất hữu ích. Mối quan hệ nội bộ có lợi thế rất lớn khi người trẻ tìm kiếm việc làm nhưng tôi nghĩ nó không phải là tất cả. Kỹ năng mới là điều giúp các bạn tiến xa trong công việc”.

Theo Bloomberg

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ