Và trong khi các ứng viên tổng thống Hàn Quốc đang đưa ra các kế hoạch để phát triển công nghệ mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong vòng 5 năm tới, có một hiện thực phũ phàng đang diễn ra: lợi thế của các công ty Hàn Quốc trước các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc đang thu hẹp lại với tốc độ rất nhanh.
Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu về Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, trong vòng 5 năm tới, có thể sẽ chỉ còn rất ít sự khác biệt giữa các công ty công nghệ Trung Quốc và Hàn Quốc ở hầu hết các lĩnh vực, bao gồm mảng smartphone cao cấp, thiết bị đeo, chip nhớ và đồ điện tử thông minh.
Trung Quốc thậm chí còn vượt trước Hàn Quốc trong lĩnh vực vệ tinh liên lạc.
"Đối với các ngành công nghiệp chính, dường như Hàn Quốc vẫn có lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc ở các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và màn hình", Kim Hyeon-wook, nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu SK ở Seoul, cho biết.
"Chính phủ không nên đứng ngoài việc này, mà cần phải tạo ra một kế hoạch chặt chẽ để thiết lập nên các chương trình nghị sự và các cải cách cần thiết nhằm tiến về phía trước".
Theo báo cáo của viện nghiên cứu này, chính phủ Trung Quốc đã đề ra chiến lược "Made in China 2025" nhắm đến việc đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vượt qua ngưỡng cửa của những ngành cần nhiều lao động để tiến vào những lĩnh vực tinh vi phức tạp hơn, từ robot cho đến không gian vũ trụ.
Chiến lược này cũng sẽ cho phép tăng cường đáng kể các ngành công nghiệp tiên tiến và biến các công ty của Trung Quốc trở thành những "đối thủ hùng mạnh" với Hàn Quốc.
Việc các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp về công nghệ cũng diễn ra vào thời điểm Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm ra những động lực mới để thay thế các ngành sản xuất truyền thống, như đóng tàu, vốn đang rơi vào khó khăn trong thời gian gần đây. Và sự cạnh tranh giữa hai quốc gia sẽ diễn ra đặc biệt gay gắt ở các lĩnh vực công nghệ mới.
Theo một báo cáo của Viện Đánh giá Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc, khoảng cách công nghệ trung bình với Trung Quốc trên 24 ngành công nghiệp quan trọng như công nghệ sinh học và màn hình chỉ còn 0,9 năm.
Điều này có nghĩa là, nếu các công ty Hàn Quốc không nỗ lực, các đối thủ Trung Quốc sẽ sớm san bằng khoảng cách về thời gian này.
Theo ông Cho Chuel, giám đốc bộ phận nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc tại Viện Kinh tế Công Nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, cho biết. "Những cải thiện về công nghiệp Trung Quốc đang thay đổi cấu trúc của chuỗi giá trị giữa Hàn Quốc và Trung Quốc".
Thay vì cấu trúc theo chiều dọc như trước đây, nơi các công ty Hàn Quốc làm nên các sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng cao, giờ đây sự cạnh tranh sẽ trở nên ngang bằng hơn, và Hàn Quốc sẽ cần đầu tư nhiều hơn để sản xuất ra các sản phẩm có giá thành cạnh tranh.
"Tôi muốn thấy những chính sách mới có thể thay đổi cơ bản cấu trúc công nghiệp Hàn Quốc" - Ông Lim Hyun-seo, CEO của Tankerfund, một startup về nền tảng peer-to-peer ở Hàn Quốc cho biết.
"Hàn Quốc có những ngành công nghiệp rất hiện đai, nhưng cần phải có một cuộc thảo luận về cách đất nước có thể phát triển từ những ngành đó."
Các ứng viên cho ngôi vị tổng thống cũng đang hứa hẹn các chính sách mới nhằm hỗ trợ cho trí tuệ nhân tạo, Internet of Things, và robot, mặc dù vậy, chúng ta vẫn còn phải chờ xem ai sẽ là người thắng cuộc để biết được hướng phát triển của họ.
Chính phủ Hàn Quốc dưới thời các Tổng thống trước đã đưa ra những kế hoạch nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh công nghiệp – như sáng kiến về nền kinh tế sáng tạo của cựu tổng thống Park Geun-hye và chương trình tăng trưởng xanh của ông Lee Myung-bak – nhưng chúng đều có tuổi thọ rất ngắn ngủi trước những biến động về chính trị.