Trung Quốc: Robot luyện thi thay giáo viên

GD&TĐ -  Tại Trung Quốc, nơi nhiều phụ huynh tin rằng một trường đại học tốt bảo đảm cho cuộc sống thành đạt, kì thi tuyển sinh đại học có ý nghĩa vô cùng quan trọng và mỗi ngày lại có thêm những “giải pháp sáng tạo” nâng cao kết quả thi. Mới đây nhất là loại hình “giáo viên robot”…  

Trung Quốc: Robot luyện thi thay giáo viên

Cuộc thi giữa máy và người

Được gọi là Gaokao bằng tiếng Trung, kì thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc diễn ra trong vài ngày tháng 6 mỗi năm, gồm các môn tiếng Trung, Toán, Khoa học và một ngoại ngữ. Tổng điểm được dùng để xét tuyển vào các trường đại học. Những trường hàng đầu như ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh (giống như Harvard và Yale ở Mỹ) tuyển sinh những thí sinh có điểm cao nhất.

Để có kết quả thi Gaokao cao, gian lận thi cử công nghệ cao đã làm mưa làm gió tại Trung Quốc vài năm qua khiến nhà chức trách cũng phải “chạy đua công nghệ” như lắp máy dò kim loại trước cổng trường thi hay đặt máy phá sóng khu vực trường thi…

Tuy nhiên có một giải pháp công nghệ cao “chân chính” có thể hỗ trợ thí sinh đạt kết quả cao mới được giới thiệu là robot có “trí khôn nhân tạo”. Những giáo viên máy có thể hiểu học sinh “nhiều hơn chính học sinh hiểu về mình” – theo lời của Li Haoyang, Công ty Yixue Education, nơi sáng chế ra robot này.

Trong một cuộc thi giữa phần mềm thông minh nhân tạo và các giáo viên có trung bình 17 năm giảng dạy, các cỗ máy có thể cải thiện điểm thi hơn đối thủ là con người. Cuộc thi có sự tham gia của 78 học sinh, được tổ chức hồi tháng 10 tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, dưới sự giám sát của cơ quan quản lí giáo dục địa phương và Công ty phân tích dữ liệu Internet iResearch.

Máy móc thắng thế

“Dạy học theo phương pháp truyền thống trong lớp học có hiệu quả thấp vì điểm yếu của mỗi học sinh khác nhau” - Li nêu ý kiến - “Nhiều học sinh lãng phí học đi học lại những kiến thức đã nắm vững, trong khi giáo viên muốn bồi dưỡng lại cho những học sinh chưa hiểu. Nhưng cho dù vậy, những học sinh chậm hơn vẫn có thể tụt hậu vì giáo viên khổng thể đủ thời gian giúp chúng”.

Phương pháp học của Yixue sử dụng trí tuệ nhân tạo phát hiện điểm yếu của một học sinh, sau đó tập trung bổ khuyết cho điểm yếu kiến thức đó - Li cho biết. Hiện tại, phần mềm đang được xây dựng hỗ trợ học sinh từ tiểu học đến THPT và Công ty Yixue Education có kế hoạch mở lớp dành cho học sinh dự thi Gaokao vào năm tới.

Yixue là một trong những công ty khởi nghiệp như Hujiang EdTech cạnh tranh “miếng bánh” béo bở trong ngành công nghiệp giáo dục trực tuyến ở Trung Quốc - mà theo iResearch dự báo sẽ tăng hơn 70% doanh số từ 2016 - 2019 đạt mức 41 tỉ USD. Trong các doanh nghiệp GD khởi nghiệp có Liulishuo, sử dụng phần mềm trí thông minh nhân tạo để dạy tiếng Anh.

Sau 4 ngày miệt mài luyện tập căng thẳng, học sinh sử dụng phần mềm của Yixue cho thấy điểm trung bình Toán tăng 36,13 điểm, so với 26,18 điểm của học sinh học với giáo viên “người thật”.

Yixue Education dự kiến mở rộng thị trường sang Hồng Kông và Đài Loan, tiếp theo là Đông Nam Á và thậm chí sang châu Âu và Mỹ. Phần mềm có khả năng thích ứng với sinh viên toàn thế giới bất kể ngôn ngữ - Li cho biết. Hiện có hơn 100.000 khách hàng đăng kí sử dụng, với khoảng 10.000 người chi nhiều hơn 10.000 tệ mua thẻ học.

Tỉnh Hà Nam, nơi tổ chức cuộc thi, là tỉnh có mức độ cạnh tranh đại học cao nhất tại Trung Quốc. Năm nay, hơn 869.000 thí sinh dự thi Gaokao ở tỉnh này nhưng chỉ 10% trong số đó - tỉ lệ thấp nhất cả nước - có thể đậu vào những “trường đại học danh tiếng” - những trường được nhận mức đầu tư lớn của chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.