Trung Quốc dùng chiến thuật mới tấn công tàu Việt Nam

Trung Quốc để tàu thi hành pháp luật Việt Nam dễ dàng tiến gần giàn khoan, sau đó tổ chức khóa đuôi và ép tàu Việt Nam rút ra xa. Vào ban đêm, một tàu Trung Quốc rọi đèn pha vào tàu Kiểm ngư của ta để tàu khác phun vòi rồng.

Mạn phải tàu 703 bị tàu của Trung Quốc đâm thủng một lỗ to
Mạn phải tàu 703 bị tàu của Trung Quốc đâm thủng một lỗ to

Trong hai ngày 4 và 5/6, các tàu Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật mới khi mở đường để các tàu chấp pháp của Việt Nam có thể dễ dàng vào gần hơn với giàn khoan Hải Dương 981, VTV đưa tin. Sau đó, tàu Trung Quốc tổ chức khóa đuôi và áp sát để ép tàu của Việt Nam phải rút ra xa khu vực giàn khoan.

Trong khi đó, theo đại diện của Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), vào ban đêm, Trung Quốc bố trí một tàu sử dụng đèn pha rọi vào tàu Kiểm ngư để tàu khác phun vòi rồng. 

"Từ chiều 4 đến 5/6 có ít nhất 5 tàu kiểm ngư bị tàu Trung Quốc phun nước trong phạm vi 10 - 30 m. Trong đó tàu KN 22 bị hư hỏng nặng, hai sườn móp méo với chiều dài 4 - 5 m" - Đại diện Cục Kiểm ngư cho biết.

Theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư, tại khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc có khoảng 115 tàu, trong đó có khoảng 40 tàu hải cảnh; 30 tàu vận tải và tàu kéo; 45 tàu cá và 6 tàu quân sự. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc duy trì một máy bay trinh sát, bay 3 lượt quanh khu vực giàn khoan; đồng thời tăng cường hai tàu quân sự ở phía Tây nam cách giàn khoan 15 - 20 hải lý. 

Tại thực địa, tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc đã di chuyển vào gần khu vực giàn khoan hơn những ngày trước và cách tàu kiểm ngư Việt Nam khoảng 8 - 10 hải lý. 

Các tàu Trung Quốc tổ chức thành từng nhóm ngăn chặn quyết liệt các tàu kiểm ngư, đồng thời hú còi, đâm va, phun vòi rồng nhằm uy hiếp các tàu của Việt Nam.

Ngoài hành động ngăn cản, tàu cá Trung Quốc cùng các tàu khác còn tìm cách vu cáo lực lượng kiểm ngư đâm vào tàu cá Trung Quốc.

Cũng trong hôm nay, ở khoảng cách giàn khoan 7,5 hải lý hướng Nam - Đông nam, theo miêu tả của VTV, tàu Cảnh sát biển 4032 liên tục bị hai tàu của Trung Quốc chặn phía trước và một tàu kéo Hai San ép phía sau, có lúc tàu kéo này chỉ cách tàu cảnh sát biển Việt Nam gần 30 m. 

Dù bị ngăn cản quyết liệt, tàu Cảnh sát Biển và Kiểm ngư của Việt Nam đã cơ động vòng tránh, đảm bảo an toàn; đồng thời kiên trì bám trụ tổ chức hoạt động đấu tranh với cường độ cao. 

Các tàu cá Việt Nam tiếp tục tổ chức khai thác thủy sản, đấu tranh đòi ngư trường và phản đối giàn khoan Trung Quốc ở khu vực khoảng 25 - 28 hải lý về phía tây nam giàn khoan.

Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép đã có 24 tàu chấp pháp Việt Nam bị làm hư hỏng, thông tin được ông Ngô Ngọc Thu -Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển - cho biết tại buổi họp báo quốc tế.

Liên quan đến việc chủ tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26/5 có ý định kiện Trung Quốc về hành động này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phân tích tàu Việt Nam kiện tàu Trung Quốc là hành động dân sự, trong khi hành động đâm tàu không phải là dân sự thông thường. Vì vậy, theo ông Bình, Việt Nam cần chọn phương án tối ưu để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.

Ngày 5/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức phát động ủng hộ ngư dân bám biển quê hương. Theo Bộ này, với các phương tiện hiện nay, ngư dân Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nguy hiểm, vì vậy họ rất cần sự hỗ trợ về phương tiện và trang thiết bị để vươn khơi, bám biển.                                                                                                                                                      Tại buổi lễ, các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đóng góp ủng hộ ngư dân bám biển hơn 1,4 tỷ đồng.
Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ