Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới A rập xê út hôm qua (16/10) khi Washington cân nhắc hành động đối với Riyadh vì số phận của nhà báo Khashoggi – nhà phê bình chế độ của A rập xê út đã biến mất 2 tuần trước. Tổng thống Trump khá do dự khi ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc gia A rập này vì nó ảnh hưởng tới thương vụ vũ khí 110 tỉ USD mà ông giúp môi giới vào năm ngoái.
“Tôi không thích việc dừng đầu tư 110 tỉ USD vào Mỹ bởi vì bạn biết họ sẽ làm gì rồi chứ?” – ông Trump nói với các phóng viên tuần trước – “Họ sẽ lấy tiền đó để tiêu ở Nga hay Trung Quốc hoặc một nơi khác”.
A rập xê út từ lâu đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và tăng cường quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của mình với giá trị thương mại song phương 42,36 tỉ USD vào năm 2017. Tháng 3 năm ngoái, hai quốc gia cũng ký các thỏa thuận trị giá 65 tỉ USD từ năng lượng cho tới công nghệ vũ trụ.
Quốc gia A rập này có thể quay sang các nước như Nga, Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu quân sự của mình nếu Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt. Đây được xem là bước đi “tạo ra một thảm họa kinh tế rung chuyển thế giới” – theo tổng giám đốc kênh tin tức Al Arabiya của A rập xê út.
Trong bài xã luận, ông Turki Aldakhil nói rằng nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới A rập xê út đang xem xét hơn 30 biện pháp đối phó với Mỹ, bao gồm giao dịch bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng đô la Mỹ.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực vũ khí, vũ khí Trung Quốc xuất cho A rập xê út vẫn còn cách xa so với các nước như Mỹ và đồng minh châu Âu. Bắc Kinh xuất khẩu vũ khí trị giá khoảng 20 triệu USD vào năm ngoái so với 3,4 tỉ USD từ Mỹ - theo số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm, Thụy Sĩ.
Trợ lý giáo sư về khoa học chính trị Jonathan Fulton của Đại học Zayed ở Abu Dhabi cho rằng A rập xê út sẽ tìm cách giảm căng thẳng với Mỹ bởi vì họ sẽ không muốn để cho mối quan hệ với Mỹ xấu đi.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu về mối quan hệ Trung Quốc – Trung Đông Simone van Nieuwenhuizen ở Australia nói rằng Trung Quốc khó có thể tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ nếu Mỹ chống lại A rập xê út, nhưng họ cũng không nhất thiết phải tăng thương mại với nước này.
Theo ông Simone van Nieuwenhuizen, tuy công nghệ của mình đang phát triển nhưng Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ về độ tinh vi và khả năng của thiết bị quân sự. Trung Quốc không thể thay Mỹ trong việc cung cấp vũ khí cho A rập xê út.
Ngoài ra, giám đốc Robert Mason của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Mỹ ở Cairo, Ai Cập nói rằng Trung Quốc sẽ không muốn dính líu vào giai đoạn này để tránh có thêm căng thẳng với chính quyền Mỹ dù muốn mở rộng quan hệ với A rập xê út.