Trung Quốc: Cha mẹ đăng ký “học thêm” về giáo dục con cái

GD&TĐ - Các khóa học về giáo dục con cái, vốn xuất hiện lâu đời tại phương Tây, nay trở nên phổ biến tại Trung Quốc khi ngày càng nhiều phụ huynh tự dạy con tại nhà.

Chính sách “giảm kép” thúc đẩy phụ huynh Trung Quốc quan tâm hơn đến giáo dục con cái.
Chính sách “giảm kép” thúc đẩy phụ huynh Trung Quốc quan tâm hơn đến giáo dục con cái.

Là ưu tiên hàng đầu của nhiều gia đình, phụ huynh Trung Quốc đang đăng ký “học thêm” về giao tiếp để tương tác và nuôi dạy con cái tốt hơn.

Có 3 người con từ 3 đến 10 tuổi, chị Ming Xu, 42 tuổi, cảm thấy lo lắng khi cô giáo nhận xét người con thứ 2 rất dễ mất bình tĩnh. Chị Xu đã đăng ký theo học chương trình đào tạo về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

“Sau khi tham dự các lớp học, tôi nhận thấy vấn đề cảm xúc của con do bị ngạt khi sinh non. Tôi học cách chấp nhận cảm xúc thất thường của con, kiên nhẫn hơn với các con và xây dựng môi trường hòa thuận trong gia đình để các con có thể yên tâm chia sẻ”, chị Xu bày tỏ.

Khóa học mà chị Xu tham gia do bà Zhang Yiyun, nhà tâm lý học người Trung Quốc, tổ chức với mục tiêu nghiên cứu và thúc đẩy trí tuệ cảm xúc. Do dịch Covid-19, các lớp học đã được chuyển sang hình thức trực tuyến.

“Hướng dẫn giáo dục trí tuệ cảm xúc cho trẻ em” là chương trình học chính tại trung tâm của Yiyun. Ngoài ra, trung tâm cung cấp khóa học 4 ngày dành cho phụ huynh trẻ về giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Ước tính, số người theo học của từng khóa là 200 học viên với học phí là 299 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng).

Theo Yiyun, hầu hết phụ huynh đăng ký là các bà mẹ gặp khó khăn trong việc kiểm soát tính khí khi trò chuyện với con cái. Cũng có một số ông bố thất vọng vì con cái không chịu giao tiếp do lịch làm việc bận rộn, thiếu sự kết nối trong gia đình. Thậm chí, một số ông bà lớn tuổi cũng đăng ký học để tìm cách xây dựng cầu nối giữa các thế hệ trong gia đình.

Lo lắng thường là yếu tố chi phối cuộc sống của phụ huynh trẻ tuổi tại Trung Quốc khi nuôi dạy con cái. Theo báo cáo về tình hình giáo dục cha mẹ - con cái do Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh công bố năm 2016, 87% phụ huynh cảm thấy lo lắng khi nuôi dạy con cái, 7% cảm thấy lo lắng nghiêm trọng.

Đại dịch Covid-19 bùng phát, trường học đóng cửa đã tạo cơ hội để phụ huynh dành nhiều thời gian hơn cho con cái và dạy dỗ chúng tại nhà. Trong khi đó, chính sách giáo dục “giảm kép” nhằm giảm bớt áp lực học tập cho trẻ em Trung Quốc lại khiến những lo lắng của phụ huynh gia tăng.

Bà Yiyun cho biết từ sau chính sách “giảm kép”, số lượng phụ huynh đăng ký tham gia khóa học đã tăng cao. “Phụ huynh hiện nay chịu trách nhiệm chính về việc học của con cái sau chính sách “giảm kép” trong khi vai trò của trung tâm dạy thêm, nhà trường giảm nhẹ. Do đó, họ cảm thấy áp lực hơn trước và cần được đào tạo để nuôi dạy con cái tốt hơn”.

Chị Zuwei, 43 tuổi, đã tham giá 6 khóa học về mối quan hệ cha mẹ - con cái tại trung tâm Zhang Yiyun. Bà mẹ thừa nhận chứng kiến nhiều phụ huynh khác đăng ký học nên chị cũng tham gia vì dù “cha mẹ thành công đến đâu, giáo dục con cái vẫn là nỗi lo lớn nhất”.

Dù các khóa học về nuôi dạy con cái mới xuất hiện tại Trung Quốc, lĩnh vực này đã có lịch sử lâu đời ở các nước phương Tây. TS Thomas Gordon, nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ, đã xây dựng chương trình “Huấn luyện hiệu quả cho cha mẹ” vào những năm 1960, được nhiều người coi là khóa “học thêm” đầu tiên dành cho phụ huynh.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.