Từ thực tế này cho thấy, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, tọa đàm hay bảo vệ luận văn trực tuyến sẽ trở thành phương thức chính trong tương lai.
Tư vấn online không còn xa lạ. Năm 2017, cổng thông tin tuyển sinh quốc gia ra đời. Bên cạnh đó, hầu hết trường ĐH, CĐ có tổng đài tư vấn tuyển sinh miễn phí. Nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên ở Việt Nam (năm 2020), nhiều trường đã thích ứng để phù hợp với thực tiễn; trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và đào tạo trực tuyến.
Còn nhớ, mùa tuyển sinh 2020, hình thức tư vấn trực tuyến thực sự “lên ngôi”. Theo đó, hàng loạt fanpage của cơ sở giáo dục đại học “đã sáng đèn” với những buổi livestream tọa đàm, tư vấn vấn tuyển sinh. Nhiều trường lập kênh YouTube, trang website riêng, thậm chí cắt cử cán bộ trực tư vấn tuyển sinh trên website, Facebook nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu về ngành nghề đào tạo cho thí sinh.
Đơn cử, Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) nhiều lần tổ chức tư vấn tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19. Buổi livestream đã thu hút gần 100 nghìn lượt xem, 1.900 lượt chia sẻ, 11 nghìn lượt bình luận. Qua đó cho thấy, sự quan tâm và thích ứng kịp thời của phụ huynh và thí sinh cũng như nhà trường trong bối cảnh Covid-19.
Sau Tết Nguyên đán 2021, nhiều cơ sở giáo dục đại học một lần nữa “bắt tay” triển khai, thực hiện theo phương thức này. Mới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị khảo thí trực tuyến lần thứ nhất, giới thiệu bài thi đánh giá năng lực ở Việt Nam năm 2021 tại 3 điểm cầu: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, thí sinh và dư luận xã hội.
Ai cũng hiểu, tư vấn, tọa đàm và bảo vệ luận văn online không cần đến hội trường, nhưng có thể hàng trăm nghìn người ở vùng miền khác nhau được tiếp cận thông tin. Không thể phủ nhận những lợi ích mà hình thức tư vấn tuyển sinh, đào tạo… online mang lại, như: Giảm thiểu tối đa các chi phí cho nhà trường và gia đình và thí sinh. Chỉ bằng click chuột, hay “lướt” smartphone ở mọi lúc, mọi nơi là thông tin cần tìm hiểu hiển thị ngay trước mắt một cách rõ ràng, chi tiết, rành mạch. Thậm chí, phụ huynh, thí sinh có thể tương tác, trao đổi với những người trong cuộc…
Ưu điểm của phương thức này được các cơ sở giáo dục đại học áp dụng triệt để. Nói rộng hơn, ngành Giáo dục đã có bước chuẩn bị tốt nên “bắt nhịp” nhanh chóng với sự thay đổi khách quan do tác động của dịch Covid-19. Đây được coi là cơ sở thực tiễn để các trường nói riêng và ngành Giáo dục nói chung tự tin thực hiện chuyển đổi số. Tin rằng, mùa tuyển sinh 2021, các trường ĐH tiếp tục phát huy hiệu quả hình thức này, nhằm mang lại lợi ích cho nhà trường và thí sinh; góp phần tạo nên mùa tuyển sinh thành công.