Tròng trành con chữ ở làng Bèo Bọt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ở Thanh Hóa, có một địa danh là làng Bèo Bọt. Ngôi làng đã tồn tại xưa nay và giờ đây đang có gần 400 con người sinh sống.

Học sinh và người dân làng Bèo Bọt qua sông Mã trên chiếc đò ngang.
Học sinh và người dân làng Bèo Bọt qua sông Mã trên chiếc đò ngang.

Thế nhưng, con em của họ hằng ngày đang phải qua đò, tròng trành vượt dòng sông Mã để đi tìm “con chữ”.

Thương lắm, Bèo Bọt ơi!

Thôn Bèo Bọt, xã Cẩm Thành, huyện miền núi Cẩm Thuỷ nằm biệt lập với thế giới bên ngoài suốt hàng trăm năm qua. Bèo Bọt khi chưa xây dựng nông thôn mới, được chia thành 2 làng. Một làng mang tên Bèo và một làng mang tên Bọt. Làng Bèo Bọt nằm bên tả ngạn sông Mã, ở xã Cẩm Thành. Phía trước làng là dòng sông Mã chắn ngang, phía sau làng là dãy núi đá vôi sừng sững. Bởi thế, người ngoài muốn vào làng hoặc người trong làng muốn đi ra với thế giới bên ngoài, chỉ có lối duy nhất là đi đò vượt sông Mã.

Cách đây vài năm, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng Nông thôn mới, người ta dồn hai làng Bèo – Bọt thành một. Làng Bèo Bọt có 87 hộ dân với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mường. Trò chuyện với GD&TĐ, ông Cao Xuân Tuấn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bèo Bọt cho hay, trong số 87 hộ của thôn, thì hiện tại vẫn còn 11 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo.

“Mặc dù, đời sống của bà con đã thay đổi khá nhiều so với trước kia, cơ sở vật chất của thôn đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư. Đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa, thuận lợi cho việc đi lại, con em được đến trường học chữ đông hơn... Thế nhưng, khoảng cách rất xa với thế giới bên ngoài. Bởi chưa có cầu vượt sông Mã, nên người dân ở Bèo Bọt vẫn vô cùng khó khăn, trắc trở mỗi khi vượt sông”, ông Tuấn tâm sự.

Hôm dẫn chúng tôi vượt sông Mã vào thăm làng, cô Phạm Thị Thiện – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thành, cho biết: Hiện nay, nhà trường có 44 học sinh là người làng Bèo Bọt theo học ở điểm trường lẻ tại thôn Phâng Khánh. Điểm lẻ này trước kia là Trường Tiểu học Cẩm Thành 2, nhưng sau khi dồn trường, thì trở thành điểm lẻ. Điểm trường này nằm sát bờ sông Mã và cạnh bến đò Bèo Bọt.

“Hằng ngày, học sinh của làng Bèo Bọt qua sông đến lớp 4 lần, vì học sinh Tiểu học phải học 2 buổi/ngày. Vì thế, việc đưa đón các em là cả một vấn đề nan giải. Nếu gia đình nào có con học Tiểu học và THCS, thì phải dành một người lớn để đưa, đón các cháu cả ngày, chứ chẳng còn thời gian để làm việc nhà nữa”, cô Thiện chia sẻ.

Theo thống kê của ông Cao Xuân Tuấn, hiện tại ở làng Bèo Bọt có tất cả 83 học sinh từ Mầm non đến THPT. Trong đó, Mầm non là 16 cháu, Tiểu học 44 em, THCS 19 học sinh và có 4 em THPT.

Thầy trò ở điểm lẻ Phâng Khánh – Trường Tiểu học Cẩm Thành.

Thầy trò ở điểm lẻ Phâng Khánh – Trường Tiểu học Cẩm Thành.

“Thương lắm! Mỗi lần các cháu đến trường đều phải phụ thuộc vào đò. Cứ mỗi ngày 4 lần qua lại, mà cả làng chỉ có một chiếc đò thôi. Mỗi chuyến, cũng chỉ chở được vài cái xe máy và vài chục cháu, chứ có được nhiều đâu. Các cháu học cấp 2, cấp 3 thì đi xa cả chục km đường, nên phải đi từ sáng sớm tinh sương, mới kịp đến trường đúng giờ vào học”, ông Tuấn trầm ngâm.

Cũng theo ông Tuấn, người dân làng Bèo Bọt sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp. Ngoài cây lúa nước, người dân còn trồng thêm tre, luồng... Trong làng cũng có vài hộ dân nuôi cá lồng ở dưới lòng sông Mã. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn vươn lên, những năm gần đây cuộc sống của người dân ổn định và chất lượng cuộc sống từng bước được nâng lên hơn.

Chỉ có điều, do giao thông bị chia cắt, nên mọi việc lớn nhỏ từ cưới hỏi, ốm đau, bệnh tật… người dân phải trông chờ chiếc thuyền máy, nên rất bị động. Đặc biệt, gia đình nào mà xây dựng nhà cửa, thì phải bỏ kinh phí vận chuyển vật liệu rất đắt đỏ. Riêng việc vận chuyển xi măng, sắt thép... qua sông đã “ngốn” rất nhiều tiền. Vì thế, người làng Bèo Bọt mà xây dựng nhà cửa, thì phải xác định đắt hơn so với bên ngoài từ 1,5 lần, thậm chí còn cao hơn.

“Dù ở làng Bèo Bọt khó khăn là vậy, nhưng hiện tại đã 100% trẻ em đều được đến trường đúng độ tuổi, ở nhiều cấp học và không có cháu nào bỏ học giữa chừng đâu. Đó cũng là một điều mà người làng Bèo Bọt chúng tôi cảm thấy phấn khởi nhất”, Trưởng thôn Tuấn tâm sự.

Hàng chục học sinh làng Bèo Bọt đứng đợi đò.

Hàng chục học sinh làng Bèo Bọt đứng đợi đò.

Mong ước muôn đời

Dường như trong tâm trí của người dân ở làng Bèo Bọt, ai nấy đều có chung một ước mơ, đó là cây cầu vượt dòng sông Mã, để có thể thuận tiện giao lưu với thế giới bên ngoài. Thế nhưng, ước mơ bao đời nay vẫn chưa trở thành hiện thực.

Là người lái chiếc đò bao năm qua, ông Cao Ngọc Hoan (SN 47 tuổi), bảo rằng, trước kia khi chưa có đò sắt và chạy máy như bây giờ, người làng Bèo Bọt phải qua sông bằng thuyền độc mộc rất nguy hiểm. Theo ông Hoan, ngày trước, khi dòng sông chưa bị tác động bởi các nhà máy thủy điện, mỗi lần chạy đò qua sông, nước chảy xiết, nguy hiểm luôn rình rập. Còn bây giờ, nước sông phẳng lặng hơn xưa, nên dùng đò máy để chở bà con, học sinh và hàng hóa cũng có phần dễ dàng hơn đôi chút. Thế nhưng, khi mùa mưa đến, nước sông dâng cao, thì việc qua sông khá là đáng lo ngại.

Theo quy định của bến đò, mỗi ngày ông Hoan được nghỉ 1 giờ đồng hồ (từ lúc 12 giờ - 13 giờ trưa) để ăn cơm. Thế nhưng, có những hôm, thậm chí giữa đêm hoặc 1 - 2 giờ sáng, người dân trong làng gọi điện, vì có người ốm, cần qua sông đi bệnh viện, nên ông Hoan phải dậy ngay.

“Hoảng nhất là gặp những trường hợp cấp cứu hoặc có chị em phụ nữ trở dạ lúc nửa đêm phải đưa qua sông gấp để bệnh viện. Nhiều đêm, chúng tôi không được ngủ ngon giấc, vì trong làng có người cần qua sông gấp. Thú thật, người dân chúng tôi ở cái làng này đã bao đời, bao kiếp đều có chung giấc mơ về một cây cầu”, ông Hoan bộc bạch.

Anh Bùi Ngọc Long (40 tuổi) ở làng Bèo Bọt có 2 con đang theo học ở cấp 2 và cấp 3, cho biết: Nhiều hôm, dù rất thương các con, nhưng không còn cách gì khác. Anh vẫn phải động viên các con cố gắng đến trường mà học chữ, không được nản chí chỉ vì đò giang cách trở.

Giờ tan học ở điểm lẻ Phâng Khánh – Trường Tiểu học Cẩm Thành.

Giờ tan học ở điểm lẻ Phâng Khánh – Trường Tiểu học Cẩm Thành.

Có những hôm trời mưa phùn, giá rét thấu xương, các con của anh Long cũng như lũ trẻ trong làng phải dậy từ sớm tinh mơ để ra bến chờ đò. Những em lớn học THPT thì còn đỡ, nhưng những đứa trẻ mới học tiểu học hay THCS, thì người lớn phải đưa đi. Con trai thứ đang học 7, phải ra trường ở trung tâm xã, cách nhà 10 km để học, nên anh Long hoặc mẹ cháu phải chở đi. Vậy mà, nhiều hôm, cháu đến trường vẫn muộn giờ học do phải chờ đò qua sông.

“Đến trưa tan học, bố hoặc mẹ đón con về nhà ăn cơm xong lại ra chờ đò, vì mỗi chuyến chỉ chở được vài chục cháu thôi. Trong khi cả cái làng này có hơn 80 cháu đi học hằng ngày, rồi thì người dân qua lại nữa chứ. Nói chung là, chuyện học hành của con em làng Bèo Bọt đến bây giờ vẫn còn rất gian nan, khổ sở. Chúng đi học cái chữ mà cứ tròng trành như con đò trên sông vậy”, anh Long so sánh.

Ngồi trên bến chờ đò, chỉ tay về phía dòng sông Mã, ông Tuấn nói rằng: “Người ta cũng đã về khảo sát, đo đạc... nhưng rồi họ bảo không thể làm được cầu treo vì khẩu độ quá dài. Theo những người khảo sát, nếu muốn làm cầu treo, thì phải có mố cố định ở giữa dòng và vẫn có thể làm được. Tuy nhiên, vấn đề là Nhà nước có hỗ trợ kinh phí đầu tư hay không mà thôi. Còn việc để huy động sức dân đóng góp tiền làm cầu, thì có lẽ muôn đời vẫn không thể làm được đâu”.

Cũng theo ông Tuấn, hàng năm, người dân trong làng góp tiền để trả cho nhà đò. Mỗi năm, làng họp dân và chia theo đầu khẩu để đóng góp tiền đò. Người trong làng thống nhất chỉ miễn cho người già và trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Những gia đình có người đi làm ăn xa cũng phải đóng góp, vì anh có đi đâu thì vẫn phải về làng và hơn nữa là trên tinh thần hỗ trợ quê hương.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy, cho biết: Ở điểm lẻ Phâng Khánh, nếu có thể tổ chức ăn bán trú vào buổi trưa hằng ngày (như ở điểm trường mầm non) cho 44 học sinh của làng Bèo Bọt là tốt nhất. Bởi, nếu làm được như vậy, sẽ giúp các cháu đỡ vất vả qua sông mỗi ngày 4 lần đò. Bố, mẹ và người thân của các cháu cũng giảm đi phần nào khi phải đưa đón nhiều lần trong ngày.

“Tuy nhiên, điều kiện cần thiết như tổ chức nấu ăn, giường chiếu, chăn màn, đồ dùng các loại chưa có. Hơn nữa, trường Tiểu học Cẩm Thành lại cũng đang thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, điều trăn trở nhất là, khi vận động bà con ở làng Bèo Bọt đóng góp kinh phí cho các cháu ăn bán trú, thì họ có đồng thuận không. Nhưng dù sao, chúng tôi cũng sẽ xây dựng kế hoạch để tham mưu cho UBND huyện phương án này. Vì trước mắt, chưa có cầu qua sông, mà học sinh tiểu học phải đi qua đò mỗi ngày 4 lần như vậy, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho cả người dân và học sinh”, ông Sơn nói.

Chia tay với người làng Bèo Bọt, khi đò ra giữa dòng sông, nhìn thấy hàng chục học sinh đứng đợi trên bến, tôi nghĩ: Hành trình đi tìm “con chữ” của những đứa trẻ ở đây sao mà tròng trành như chiếc đò đang vượt dòng sông Mã vậy. Và, tôi thầm mong ước, tỉnh Thanh Hóa quan tâm hơn nữa đến gần 400 con người ở cái làng mang tên Bèo Bọt này, sớm đầu tư xây dựng một cây cầu vượt sông Mã, giúp ước mơ ngàn đời của họ trở thành hiện thực, có được không?!

Cô Phạm Thị Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thành thông tin thêm: Vào những ngày trời nắng ráo thường thì còn đỡ vất vả, nhưng đến mùa mưa hoặc khi thuỷ điện xả lũ, là người dân nơi đây luôn thấp thỏm lo âu mỗi lần đi đò qua sông. Sợ và khổ nhất vẫn là hàng chục học sinh đến trường mỗi ngày đều phải dậy thật sớm để tranh thủ qua đò cho kịp buổi học. Có đôi khi, vì sợ các em muộn giờ học, người lái đò phải chở quá số lượng quy định. Đặc biệt là vào mùa lũ, mỗi lần đò sang sông chở theo mấy chục học sinh, lại là một lần lo ngại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.