Trong thời gian cách ly xã hội, chất lượng không khí ở Hà Nội như thế nào?

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có báo cáo về chất lượng môi trường không khí tại một số đô thị trong tháng 4/2020.

“Đây là thời gian nước ta thực hiện cách ly xã hội, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội tạm dừng nên chất lượng không khí ở nhiều đô thị đã được cải thiện hơn”- cơ quan này cho hay.

Kết quả quan trắc trong tháng 4/2020 cho thấy, hầu hết các đô thị trên cả nước đều có giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM2.5 nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

Trong thời gian cách ly xã hội, Hà Nội vẫn có một số ngày trong tháng 4 chất lượng không khí ở mức kém và xấu.

Trong thời gian cách ly xã hội, Hà Nội vẫn có một số ngày trong tháng 4 chất lượng không khí ở mức kém và xấu.

Tuy nhiên tại thủ đô Hà Nội, giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 đã vượt giới hạn cho phép trong một số ngày. Kết quả này thu được sau khi có kết quả quan trắc của 6 trạm quan trắc không khí tự động liên tục tại Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ), Hạ Long (Quảng Ninh), Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa) do Tổng cục Môi trường quản lý và 10 trạm tại Hà Nội do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý; 2 trạm tại Hà Nội, TPHCM của Đại sứ quán Mỹ.

Trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 16/4, cả nước thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội (riêng Hà Nội, TPHCM thực hiện cách ly xã hội đến ngày 22/4), các hoạt động sản xuất, giao thông, du lịch, dịch vụ… hầu hết đều giảm hoặc dừng hoạt động nên đã tác động khá nhiều đến chất lượng không khí.

Cũng trong khoảng thời gian này, tại miền Bắc là thời gian chuyển từ mùa xuân sang mùa hè, thời tiết biến động rõ rệt, xen kẽ những ngày nhiệt độ thấp, mưa ẩm (do ảnh hưởng của những đợt gió mùa đông bắc cuối cùng) là những ngày thời tiết nắng nóng, khô lặng gió, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao. Chính vì vậy, chất lượng không khí tại Hà Nội và một số đô thị miền Bắc cũng có sự biến thiên mạnh giữa các ngày.

“Theo dõi diễn biến chất lượng không khí trong tháng 4/2020 cho thấy, tuần đầu tiên của tháng 4 chất lượng không khí ở tất cả các đô thị duy trì ở mức khá tốt, không bị ô nhiễm bụi PM2.5 và các thông số khác.

Tuy nhiên, từ tuần thứ 2 của tháng 4, mặc dù vẫn trong thời gian cách ly nhưng tại một số đô thị, trong đó có Hà Nội, lượng phương tiện tham gia giao thông đã tăng lên, cùng với đó là tác động của yếu tố thời tiết (không mưa, lặng gió, có sương mù) dẫn đến một số ngày có giá trị PM2.5 tăng khá cao”-Tổng cục Môi trường cho hay.

Thống kê cho thấy, trong tháng 4/2020, Hà Nội có 11/30 ngày giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 vượt giới hạn cho phép.

Theo dõi diễn biến chất lượng không khí tại các khu vực nội thành của thủ đô Hà Nội, kết quả quan trắc cho thấy, tại trục giao thông lớn, khu vực có các công trình xây dựng đang hoạt động… đều có giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 vượt giới hạn cho phép.

Số ngày tương ứng với các mức AQI ngày các trạm tại Hà Nội tháng 4/2020 (Nguồn: Tổng cục Môi trường).

Ngoài ra, kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các trạm của Hà Nội trong tháng 4 cho thấy, một số ngày đã chạm mức xấu (AQI từ 151 - 200) tại một số trạm. Tuy nhiên, vẫn có những ngày chất lượng không khí đã ở mức tốt (AQI ≤ 50).

Thống kê tỷ lệ AQI ngày các trạm tại Hà Nội trong tháng 4 cho thấy, số ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm tỉ lệ cao nhất (43,6%), tỉ lệ số ngày AQI ở các mức kém là 31,5%, mức xấu là 6,4% và mức tốt là 18,5%.

“Thủ đô Hà Nội do chịu tác động mạnh bởi yếu tố thời tiết, thêm vào đó vẫn có những ngày lượng phương tiện tham gia giao thông trong nội đô khá cao nên một số ngày trong tháng chất lượng không khí ở mức kém và xấu”- cơ quan này đánh giá.

Theo dantri.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.