'Trọng dụng' điểm thi tốt nghiệp THPT trong tuyển sinh đại học năm 2024

GD&TĐ - Tuyển sinh năm 2024, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024.
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024.

Chiếm tỷ trọng cao

Năm nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự kiến tuyển gần 6.000 sinh viên cho 17 nhóm ngành, tăng hơn 130 chỉ tiêu so với năm ngoái. Học viện duy trì 4 phương thức tuyển sinh, gồm: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét tuyển kết hợp.

Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển hơn 9.200 sinh viên, tăng hơn 1.000 so với năm ngoái. Ngoài các phương thức xét tuyển tài năng, điểm thi đánh giá tư duy, ĐH Bách khoa Hà Nội dành 50% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tiếp tục giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh đại học chính quy cho 34 ngành đào tạo chương trình chuẩn như năm 2023. Trường dự kiến tăng 100 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm ngoái.

Trong đó, nhà trường vẫn dành nhiều chỉ tiêu nhất cho phương thức xét kết quả kỳ thi THPT 2024. Nhà trường dự kiến dành 40-55% tổng chỉ tiêu cho phương thức này.

Nhiều năm trở lại đây, trong 20 phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển phổ biến, được nhiều thí sinh lựa chọn nhất là xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển bằng học bạ THPT.

Thống kê của ĐH Đà Nẵng năm 2023 cho thấy, tổng số chỉ tiêu dự kiến của các trường, đơn vị thành viên là hơn 15.500 chỉ tiêu; trong đó, phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT là 7.900 chỉ tiêu (chiếm 50,7%), phương thức tuyển sinh theo học bạ chiếm 21,3%; phương thức tuyển sinh riêng chiếm 24,6%, phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực chiếm tỷ lệ thấp.

Còn theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết quả xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 49,45%. Tiếp đến là: Xét kết quả học tập bậc THPT: 30,24%; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy: 2,57%; Xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo: 2,32%; các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) là: 14,1%.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa/internet.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa/internet.

Bảo đảm độ tin cậy

"Theo thống kê trên toàn hệ thống, phương thức truyền thống là xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tất cả phương thức mà chúng tôi ghi nhận năm 2023”, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho hay.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, gần như 100% các trường đại học vẫn dành số chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2023, các trường đại học sử dụng đến 20 phương thức xét tuyển; trong đó xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ trọng cao nhất, với 49,45%. Bộ GD&ĐT phân tích kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT của hai nhóm thí sinh trúng tuyển đại học bằng phương thức xét học bạ và xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Kết quả cho thấy, có 60% thí sinh trúng tuyển bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp 3 môn khoảng 20 điểm. Trong khi đó, 60% thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn trên 23 điểm.

Thực tế trên cho thấy, điểm thi tốt nghiệp THPT có khả năng phân loại thí sinh tốt hơn khi xét tuyển vào các trường đại học. “Chúng tôi khuyến cáo khi xét tuyển bằng phương thức xét học bạ nên sử dụng thêm ngưỡng đầu vào bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT để gia tăng sự công bằng giữa các nhóm thí sinh", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trao đổi.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm độ tin cậy, ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhìn nhận. Thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có độ tin cậy cao hơn nhiều phương thức khác.

Kết quả phân tích phổ điểm thi của các môn thi trong những năm qua cho thấy, chất lượng ra đề và phổ điểm đáp ứng được điều kiện cho các trường lựa chọn thí sinh trúng tuyển vào trường chính xác, công bằng và khách quan.

Các chuyên gia giáo dục đánh giá, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những phương thức quan trọng trong tuyển sinh ĐH, sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh và xã hội cũng như cho chính các trường ĐH; đồng thời đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024. Theo đó:

Từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 25/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

Từ ngày 28/7 đến 17h ngày 3/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trước 17h ngày 18/8.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.