Trồng cây “siêu anh hùng” trên sa mạc

GD&TĐ - Hiện, có tới 89% diện tích đất đai trên thế giới chưa được sử dụng và đa phần là sa mạc.

Canh tác luôn trong sa mạc là giải pháp nhanh đối phó vấn đề thiếu hụt lương thực toàn cầu.
Canh tác luôn trong sa mạc là giải pháp nhanh đối phó vấn đề thiếu hụt lương thực toàn cầu.

Năm 1999, Trung tâm Quốc tế Nông nghiệp Biosaline (ICBA) đã bắt tay vào sứ mệnh tìm kiếm các loài cây lương thực giàu giá trị dinh dưỡng, chịu hạn, chịu mặn tốt.

Đến nay, ICBA tự hào thu thập được trên 13 nghìn giống cây. Tại Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất), nơi nhiệt độ ngày càng nóng lên trầm trọng vì biến đổi khí hậu, họ tiến hành trồng thử nghiệm.

Thời đại sa mạc hóa

Diện tích đất liền trên Trái đất rất lớn (150 triệu km2), nhưng chỉ khoảng 11%, tương ứng với 16,5 triệu km2 đang được sử dụng cho cây trồng. Dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sa mạc hóa lan rộng.

Trên khắp các châu lục, diện tích sa mạc tăng nhanh. Ước đoán trong thế kỷ qua, hơn 2 triệu km2 đất đai toàn cầu, trong đó có một nửa là đất nông nghiệp đã bị sa mạc hóa.

An ninh lương thực của con người phụ thuộc vào nông nghiệp. Chí ít, sự suy thoái của 2 triệu km2 đất đai cũng ảnh hưởng lên sinh kế của 40% dân số thế giới (7,8 tỷ người), tương ứng với 3,12 tỷ người. Theo ước tính từ Liên Hợp Quốc, hiện toàn cầu đang có khoảng 41 triệu người trên bờ vực nạn đói.

Con người có thể nỗ lực đảo ngược sa mạc hóa, nhưng cần rất nhiều công sức và thời gian. Trong tình hình dân số tiếp tục tăng nhanh, nông nghiệp bắt buộc phải tìm ra giải pháp canh tác luôn trên đất đai sa mạc.

Salicornia, rau xanh chịu mặn được ví như “siêu anh hùng sa mạc”.
Salicornia, rau xanh chịu mặn được ví như “siêu anh hùng sa mạc”.

2 loài thực vật siêu cường

Thực tế, canh tác trên sa mạc không phải điều gì lạ lẫm. Từ hàng nghìn năm trước, con người đã biết gom nhặt các loài cây ăn được mọc trong sa mạc, quy hoạch đất đai và trồng trọt. Chỉ có điều, không phải tất cả các loài cây này đều chứa hàm lượng dinh dưỡng cao.

Năm 1999, tổ chức phi lợi nhuận ICBA bắt tay vào sứ mệnh trọng đại nhất: Tìm kiếm các loài cây thích nghi môi trường sa mạc, chịu mặn (vì nước ngọt ngày càng khan hiếm) và dinh dưỡng cao. Sau 2 thập kỷ, ICBA tự hào khoe bộ sưu tập trên 13 nghìn loại hạt giống, thu thập từ tất cả các sa mạc trên Trái đất.

Thực vật được ví như “ngôi sao” trong bộ sưu tập của ICBA là quinoa (diêm mạch). Nó thuộc họ dền, lấy hạt, có nguồn gốc từ dãy Andes (châu Mỹ). Theo phân tích khoa học, hạt diêm mạch có chứa hàm lượng protein cao, giàu canxi, sắt, magie và chất xơ, vitamin. Nó có thể nấu chín như gạo, làm cơm hoặc cháo.

Sau khi tiến hành thử nghiệm trồng 1.200 giống diêm mạch khác nhau, ICBA phát hiện 5 loại thích nghi điều kiện cực hạn của sa mạc. Họ nhanh chóng để nông dân ở hơn 10 quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đưa vào sản xuất, hiện mở rộng giới thiệu tới các cộng đồng nông thôn Trung Á.

Sau quinoa, ICBA đặc biệt chú trọng salicornia, loài thực vật chỉ ưa mặn, lấy mầm làm rau xanh. Tại châu Âu và Bắc Mỹ, salicornia khá nổi tiếng, được ví như “măng tây biển” vì hình dáng bên ngoài hao hao nhau.

Theo phân tích khoa học, mầm salicornia giàu có các loại vitamin A, B, C, canxi và vi chất sắt. Nó có hương vị và kết cấu tương đối giống măng tây. Ngoài vai trò rau ăn, salicornia còn chứa một số hoạt chất có lợi cho việc hạn chế bệnh huyết áp cao, béo phì, gan nhiễm mỡ…

Đặc biệt, salicornia bất chấp điều kiện môi trường sống. Miễn là đất mặn và ẩm, nó mọc lên ào ạt. Ngay cả trong điều kiện nhiệt độ gần 50oC của sa mạc ở Dubai, nó vẫn phát triển tốt. ICBA ấn tượng đến nỗi, đặt biệt danh cho salicornia là “siêu anh hùng sa mạc”.

Quinoa, cây lương thực sa mạc cốt yếu của ICBA.
Quinoa, cây lương thực sa mạc cốt yếu của ICBA.

Góp sức cho tương lai

ICBA đang sản xuất khoảng 200kg quinoa và 500kg salicornia vì mục đích nghiên cứu. Họ cũng hợp tác với các công ty thực phẩm ở Dubai, phát triển các sản phẩm từ quinoa và salicornia nhằm thu hút sự quan tâm, chấp nhận của người tiêu dùng.

Kỳ thực, ICBA mới chỉ là một trong nhiều nỗ lực vì tương lai an ninh lương thực toàn cầu. Ngoài họ, thế giới còn nhiều tổ chức và sáng kiến đang hoạt động; ví dụ như dự án tạo mưa, “vắt nước” từ không khí sa mạc…

Dự kiến đến năm 2050, tổng nhu cầu lương thực quốc tế tăng từ 59 - 98%. “Vì an ninh lương thực, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp nhằm gia tăng sản xuất”, Joshua Katz (Mỹ) – đối tác của công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company lên tiếng.

Cũng theo Katz, ẩm thực toàn cầu đang ngày càng chú trọng tính bền vững và sức khỏe. Vì thế, nông nghiệp cần chuyên tâm xây dựng các hệ thống sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu.

Tại UAE - các quốc gia vốn phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, chính phủ và người dân cũng đang ngày càng cố gắng tự cung tự cấp. Họ dựa vào công nghệ, lắp đặt hệ thống nhà kính thông minh và trang trại thẳng đứng. Chúng được trang bị hệ thống tưới tiêu, tái sử dụng nước, kiểm soát nhiệt độ, lượng CO2… tạo điều kiện trồng trọt, thu hoạch năng suất cao.

Nhà kính khổng lồ phục vụ nhu cầu thử nghiệm cây lương thực sa mạc ở Dubai của ICBA.
Nhà kính khổng lồ phục vụ nhu cầu thử nghiệm cây lương thực sa mạc ở Dubai của ICBA.
Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ