Thành phố lý tưởng nơi sa mạc

GD&TĐ - Một tỷ phú người Mỹ muốn hủy bỏ quyền sở hữu đất tư nhân, đã lập kế hoạch xây dựng một thành phố ở sa mạc, chi phí 400 tỷ USD, để 5 triệu cư dân tự quyết định cách vận hành trên nguyên tắc công bằng và bền vững.

Telosa, “thành phố cởi mở, công bằng và hòa nhập nhất trên thế giới”.
Telosa, “thành phố cởi mở, công bằng và hòa nhập nhất trên thế giới”.

Ý tưởng từ sự phân hóa giàu nghèo

Marc Lore không lạ gì chuyện tích lũy tài sản. Tỷ phú sinh năm 1971 này đã thành lập hai công ty khởi nghiệp, sau đó bán đi với giá 550 triệu USD và 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ đó, ông nhận thấy khoảng cách giàu nghèo trên thế giới thực sự lớn như thế nào và mong muốn xây dựng một thành phố hiện đại ở sa mạc, mang lại sự bình đẳng cho cư dân ở đó.

Lore không phải là người đầu tiên đề xuất đổi mới quy hoạch đô thị cho kỷ nguyên hiện đại. Theo Bloomberg, hiện có khoảng 150 dự án “thành phố thông minh” trên khắp thế giới được tài trợ bởi các tổ chức tư nhân hoặc chính phủ. Nhưng theo Lore, không có nỗ lực nào trong số này phát xuất từ mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Thành phố lý tưởng của ông mang tên Telosa, tiếng Hy Lạp cổ đại là Telos, với nghĩa “mục đích cao nhất”. Theo Fortune, nó sẽ cung cấp cho 5 triệu công dân một đội xe điện tự hành, trang trại trong nhà, giao thông công cộng tốc độ cao, giáo dục và chăm sóc sức khỏe bình đẳng cho tất cả mọi người.

Marc Lore có kế hoạch thành lập một quỹ sở hữu đất đai chung, nhưng công dân vẫn được tự do xây dựng và bán nhà của họ. Thành phố Telosa dựa trên khái niệm “bình đẳng” - một hệ thống kinh tế trong đó mọi công dân đều có cổ phần trong quỹ đất đai của thành phố.

Khi thành phố phát triển, bắt đầu thu hút các nhà đầu tư, bất kỳ khoản tiền nào do quỹ này kiếm được sẽ dùng để tài trợ trực tiếp cho các dịch vụ xã hội. Các khoản thuế tài sản mà chủ nghĩa tư bản truyền thống đòi hỏi sẽ không có ở đây.

Marc Lore dự định mua khoảng 800 km2 hoang hóa để thực hiện ý tưởng này. Đội ngũ quy hoạch của ông đang thăm dò các địa điểm ở Nevada, Utah, Idaho, Arizona, Texas và Appalachians.

Ông đã thuê Tập đoàn Bjarke Ingels Group (BIG) làm việc dựa trên kiến trúc sơ bộ của Telosa, với tính bền vững và công bằng kinh tế được đặt lên hàng đầu.

Marc Lore, cựu Giám đốc điều hành của Walmart, lấy cảm hứng từ Henry George, nhà kinh tế học người Mỹ sống vào thế kỷ 19, người đổ lỗi cho sự bất bình đẳng kinh tế là do quyền sở hữu đất đai tư nhân. Cũng như George, Lore tin rằng, con người và xã hội tạo ra giá trị của một mảnh đất cằn cỗi nhưng nhận lại không tương xứng.

“Chúng tôi sẽ vào sa mạc, nơi đất đai không có giá trị, hoặc rất ít và hình thành quỹ sở hữu đất đai. Khi mọi người bắt đầu tìm đến, sẽ phát sinh thuế xây dựng cơ sở hạ tầng, lúc đó chúng tôi tiến hành xây dựng một trong những thành phố hoành tráng nhất trên thế giới.

Nhiệm vụ của quỹ là đánh giá đất đai theo đúng giá trị và hoàn lại những đóng góp cho người dân dưới hình thức dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở giá cả phải chăng và các dịch vụ xã hội khác!” – tỷ phú sinh năm 1971 cho biết.

Tỷ phú Marc Lore và mô hình thành phố lý tưởng.
Tỷ phú Marc Lore và mô hình thành phố lý tưởng.

Thành phố 15 phút

Tỷ phú Marc Lore gọi Telosa là “thành phố cởi mở nhất, công bằng nhất và hòa nhập nhất trên thế giới”. Sứ mệnh của nó là góp phần tạo ra một xã hội công bằng và bền vững hơn trong tương lai.

Marc Lore cho biết, Telosa sẽ được xây dựng theo thiết kế của “thành phố 15 phút”, nghĩa là cư dân có thể đến trường học, nơi làm việc, các khu giải trí, mua sắm trong vòng 15 phút, sau khi rời khỏi nhà.

Tại trung tâm thành phố, ông sẽ xây dựng một tòa nhà chọc trời, tên là Tháp Equitism, “ngọn hải đăng của thành phố”, nơi có các trang trại khí canh, bể chứa nước trên cao và mái nhà sản xuất năng lượng. Công viên sẽ là nơi sinh sống của hệ thực vật bản địa, trong khi đường phố sẽ “ưu tiên xe đạp và người đi bộ”. Các phương tiện giao thông phải dùng năng lượng tái tạo.

Giai đoạn một cho việc xây dựng Telosa, các nhà hoạch định kêu gọi 25 tỷ USD đầu tư và dự kiến sẽ có 50.000 người sống trong một khu phố tròn rộng 6 km2 vào năm 2030. Sau đó, trong 40 năm tới, thành phố sẽ mở rộng dân số lên 5 triệu người trên 600 km2, với tổng chi phí 400 tỷ USD.

Theo CNN, ước mơ của nhà tỷ phú ở Telosa là sản xuất năng lượng bền vững, cung cấp nước chống hạn và kiến trúc thân thiện với môi trường ở vùng đất sa mạc khắc nghiệt. Tuy nhiên, cơ bản nhất là nền tảng kinh tế của thành phố, mà ông gọi là “chủ nghĩa bình đẳng”.

Khi giá trị đất đai tăng lên, ngân sách dành cho giáo dục, giao thông, y tế và các dịch vụ xã hội khác sẽ được chia sẻ một cách công bằng. Lore nói: “Tôi đang cố gắng tạo ra một mô hình xã hội mới, nơi sự giàu có được tạo ra một cách công bằng. Không tạo gánh nặng cho những người giàu, không tăng thuế. Chỉ đơn giản là hoàn lại cho công dân của cải mà họ đã góp phần tạo ra”.

Nguồn đầu tư 400 tỷ USD đến từ nhiều nguồn khác nhau, như tài trợ từ liên bang và tiểu bang, từ các nhà đầu tư tư nhân, các nhà từ thiện quan tâm đến việc định hình lại xã hội nói chung.

Các nhà lập kế hoạch nói rằng, công dân Telosa sẽ được chia sẻ quyền sở hữu đất đai từ nguồn tài trợ của cộng đồng và được “tham gia vào quá trình ra quyết định và lập ngân sách” cho thành phố. Các nhà tổ chức dự án hứa hẹn hoàn toàn minh bạch trong các vấn đề về quản trị.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.