"Ngày ấy tôi trở về": Khúc hát tri ân các thầy cô

GD&TĐ - Thông qua ca khúc "Ngày ấy tôi trở về", thầy giáo Ma Thanh Quân đã gửi gắm nỗi nhớ thương quãng thời gian học sinh phổ thông vô tư và thay lời tri ân thầy cô giáo.

Thầy giáo Ma Thanh Quân. Ảnh: NVCC.
Thầy giáo Ma Thanh Quân. Ảnh: NVCC.

Nhớ về mái trường xưa

“Ngày ấy tôi trở về” là tên ca khúc tự sáng tác của thầy giáo Ma Thanh Quân, 36 tuổi, giảng viên khoa Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Thầy Quân nhớ lại, khi biết báo Giáo dục và Thời đại tổ chức Cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường, từ cuối năm 2020, thầy đã đem tác phẩm dự thi. Không đặt nặng việc có đạt giải hay không, thầy Quân hi vọng có thể hưởng ứng hoạt động của ngành giáo dục, được chia sẻ sáng tác của mình và thưởng thức tác phẩm trên cả nước.

Đến đầu tháng 10 vừa qua, khi biết tin “Ngày ấy tôi trở về” đạt giải trong cuộc thi, thầy Quân không khỏi bất ngờ xen lẫn xúc động.

“Tôi không biết diễn tả cảm xúc khi ấy ra sao. Tôi rất vui khi biết tác phẩm của mình được mọi người đón nhận. Nhưng đồng thời tôi cũng thấy tiếc nuối vì không thể ra Hà Nội tham dự lễ trao giải”, thầy giáo Ma Thanh Quân nói.

Chia sẻ về quá trình ra đời bài hát “Ngày ấy tôi trở về”, thầy Quân bộc bạch, dù công tác tại tỉnh Lào Cai, thầy vốn là người con huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Những năm cấp 3, thầy theo học tại Trường THPT Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Thời điểm đó, học sinh lớp 10 đến lớp 12 nhà trường được học và sinh hoạt chung nên đều quen biết và gắn bó thân thiết với nhau. Thưở học trò, dù cuộc sống có nhiều thiếu thốn, khó khăn, bạn bè tại ngôi trường cấp 3 của thầy đều coi nhau như anh chị em trong một gia đình, nơi thầy cô giáo là những người cha, người mẹ thứ hai.

Dù đã rời xa mái trường nhiều năm, chuyển công tác đến địa phương khác, thầy Quân vẫn không quên những kỉ niệm thời học sinh. “Đoạn đường đến trường của tôi khi ấy thường hay xảy ra sạt lở nên đi lại vô cùng khó khăn, tiêu tốn nhiều thời gian. Hiểu cho hoàn cảnh của học sinh, nhà trường đã lùi giờ học xuống một tiết để chúng tôi có thể từ tốn đi lại, vừa đảm bảo an toàn vừa không ảnh hưởng đến việc học”, thầy Quân nói.

"Ngày ấy tôi trở về" là lời tri ân của thầy Thanh Quân dành tặng thầy cô giáo năm xưa. Ảnh: NVCC.
"Ngày ấy tôi trở về" là lời tri ân của thầy Thanh Quân dành tặng thầy cô giáo năm xưa. Ảnh: NVCC.

Trở về mái trường xưa

Mỗi lần nhớ đến sự quan tâm, chăm lo của thầy cô giáo năm xưa, thầy Quân đều không khỏi xúc động. Khát khao được làm một điều ý nghĩa để tri ân thầy cô lớn dần lên trong lòng giảng viên trẻ.

“Tôi đã ấp ủ ý tưởng sáng tác bài hát về thầy cô và mái trường từ năm 2018 và dự định sẽ đem về trường xưa. Tuy nhiên, cùng năm đó trường cũ của tôi tổ chức sự kiện lớn nhưng tôi không có cơ hội tham dự nên ý tưởng này vẫn chưa được thành hiện thực”, thầy Quân cho hay.

Sau thời gian đó, thầy Quân quyết định sáng tác “Ngày ấy tôi trở về”. Ca khúc chỉ mất khoảng một tiếng viết lời vì theo thầy Quân, mỗi lần nhớ về kỉ niệm thủa học sinh, cảm xúc lập tức dâng trào. Ca khúc do thầy trực tiếp thể hiện.

“Hôm nay bâng khuâng trở về mái trường xưa…”. Bài hát bắt đầu bằng giai điệu trong trẻo như lời kể của tác giả khi được về thăm ngôi trường cấp 3 thân yêu. Theo sau đó, người nghe có thể mường tượng khung cảnh những người bạn lâu năm tụ họp: Thoáng chút bỡ ngỡ khi ánh mắt nhìn nhau. Bạn bè bao năm cách xa. Thầy cô năm xưa nay tóc đã phai màu. Còn nhớ những nước mắt đẫm lệ ngày chia tay…

Thầy Quân chia sẻ, trong quá trình sáng tác, việc khó nhất là hoà âm, phối khí để tạo nên ca khúc hoàn chỉnh. Không chỉ là giai điệu, thầy Quân mong muốn có thể “thổi hồn” vào tác phẩm để mỗi người nghe đều cảm nhận được câu chuyện của mình trong đấy.

Với “Ngày ấy tôi trở về”, thầy Quân mong muốn dành tặng món quà tinh thần cho các thầy cô giáo, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những hi sinh, vất vả của thầy cô. Thầy Quân cũng hy vọng, giai điệu của “Ngày ấy tôi trở về” có thể vang lên trong những buổi gặp mặt, tri ân của các thế hệ cựu học sinh.

“Đối với mỗi người, quãng thời gian học phổ thông là một trong những kỉ niệm vô cùng đáng nhớ. Cảm xúc của tôi có lẽ cũng là cảm xúc chung của biết bao thế hệ học sinh, cũng là mong muốn dành những lời tri ân tốt đẹp nhất cho thầy cô của mình”, thầy Quân bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ