Những buổi lễ tri ân đong đầy cảm xúc, những khoảnh khắc vô cùng xúc động lấy đi những giọt nước mắt của những cô, cậu học trò… những ngày đi học, có lúc bướng bỉnh, nghịch ngợm khiến cha mẹ buồn bực, thầy cô la mắng thì nay đã biết nghĩ lại và có lời cảm ơn và xin lỗi hết sức chân thành tới thầy cô và cha mẹ đã có công ơn nuôi nấng, dưỡng dục.
Chắc hẳn nhiều người, rất nhiều người đã có nhưng cảm xúc như vậy. Hơn ai hết, từng vượt qua những nông nổi của tuổi học trò, đến ngày ra trường, ngẫm lại họ mới hiểu hơn giá trị bản thân và những vất vả, lo lắng mà cha mẹ và thầy cô giáo vì mình.
Lời tri ân không chỉ được gửi đến cha mẹ và thầy cô mà còn đến cả những bác bảo vệ, cô lao công… những người làm công việc hết sức bình dị nhưng cũng là những tác nhân để chắp cánh cho những hoài bão, ước mơ bay cao, bay xa của các em sau lứa tuổi học trò. Không chỉ các trường THPT tổ chức lễ tri ân mà các trường THCS cũng tổ chức ngày tri ân, tất cả không ngoài mục đích giáo dục, hướng cả thầy cô và học sinh tới những cảm giác thân thương của một nghề được mệnh danh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, nhớ lại: Lúc đó là cuối năm học, tôi dạy ở Trường Tiểu học và THCS bán trú Hà Lâu. Là một xã vùng cao khó khăn của huyện, không có lễ tri ân gì đâu, nhưng các thầy cô và học trò cũng tổ chức sinh hoạt lớp để cùng vui cười, động viên các em học giỏi có điều kiện học lên thì phấn đấu.
Buổi sinh hoạt đó vắng một học sinh, tôi cũng có hỏi qua và được biết là em ở nhà giúp bố mẹ, nhưng rồi vui chung cùng học sinh nên việc vắng mặt của em đó trôi qua. Trưa về phòng nội trú tập thể của giáo viên, mọi người đang chuẩn bị ăn cơm thì em học sinh đó nhễ nhại mồ hôi đó thập thò ở cửa và gọi tôi. Tôi vừa ra thì bạn đứa cho một túi vải nói bố mẹ cám ơn cô và bỏ chạy. Mở ra trong đó có gần 20 quả trứng gà, có vài quả bị dập vỡ chắc do em chạy đường núi từ nhà tới trường cách cả chục km.
Nói như NGND Lưu Xuân Giới ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh: Nghề nhà giáo, dù ở đô thị phát triển, hay vùng sâu vùng xa, biển đảo thì đều được các phụ huynh và học sinh kính trọng. Đặc biệt là ở vùng dân tộc, ở các trường nội trú, thầy cô giáo là những người cha, người mẹ thứ hai khi lo lắng cho chúng con mỗi bữa ăn, chăm sóc từng giấc ngủ. Lễ tri ân, mỗi nơi cách thức tổ chức một khác, trường học ở khu đô thị lớn hay ở nơi miền núi hải đảo, mỗi nơi mỗi điều kiện, cách thức tổ chức khác nhau.
Những bức thư, lời phát biểu hết sức cảm động về đấng sinh thành và thầy cô giáo được đọc ở sân trường, đã như một lời cảm ơn trân thành nhất đến cha mẹ, thầy cô, để nhớ về công ơn dưỡng dục của mỗi người. Các em học sinh và giáo giới chúng ta đang khẳng định lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Bước chân vào nghề, chắc hẳn đại đa số các thầy cô giáo đều hết sức yêu nghề dạy học của mình. Có thầy cô giáo nào không mong muốn dạy dỗ được những học sinh giỏi, đạt thành tích cao. Có thầy cô nào từ chối được nếu lớp mình có những học sinh ngỗ ngược. Cũng như cha mẹ không chọn lựa được con cái thì thầy cô cũng không thể chọn lựa được học sinh. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, các thầy cô đều nỗ lực hết sức dạy học với kết quả cao nhất.
Tuy nhiên, người xưa nói “có bột mới gột được hồ”, nếu học sinh không có một nền tảng căn bản vững và ý thức học tập tốt thì khó có thể học đạt kết quả cao. Nhưng xã hội, người học đang đòi hỏi ở nghề dạy học quá nhiều, nhưng cũng lại đang quá khắt khe với nghề này. Áp lực dạy được học sinh giỏi, với các thầy cô còn là mong muốn, thì giờ đây họ đang chịu áp lực lớn hơn thế nhiều là áp lực xã hội. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng để tạo dựng những đổi thay, là bệ phóng cho phát triển đất nước. Quan trọng là thế, nhưng sao sinh kế của nhà giáo, đề xuất nâng lương để các thầy cô sống bằng “nghề cao quý” vẫn khó được chấp nhận!