40 năm là độc giả của Báo GD&TĐ, TS Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội,Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết vẫn luôn giữ trọn tình cảm yêu quý, trân trọng, tự hào đối với tờ báo của ngành Giáo dục.
Món ăn tinh thần, giúp giáo viên bồi dưỡng tình yêu nghề nghiệp
- Trong quá trình công tác, đặc biệt giai đoạn phục vụ ngành Giáo dục, bà có kỷ niệm nào đáng nhớ với Báo GD&TĐ?
- Tôi là độc giả của Báo GD&TĐ. Nếu so sánh với tuổi 65 của Báo, tôi là độc giả “trung tuổi”; chính xác là độc giả của Báo từ cách đây 40 năm, khi còn là sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh (thời ấy còn gọi là Báo Người giáo viên nhân dân). Thời bao cấp khó khăn, chúng tôi chỉ được đọc báo ở bảng tin của khoa và nghe nội dung điểm tin trong chương trình phát thanh của nhà trường. Thi thoảng, mượn được tờ báo thì chuyền nhau đọc vội. Việc tích luỹ những mẩu tin bài được cắt ra từ báo để lưu làm tài liệu tham khảo cũng là thú vui của sinh viên chúng tôi thời ấy. Với chúng tôi, tờ báo của ngành đúng nghĩa là món ăn tinh thần, giúp giáo sinh có thêm thông tin, tích luỹ kinh nghiệm xử lý tình huống sư phạm và quan trọng là bồi dưỡng tình yêu nghề nghiệp trong bối cảnh giáo viên bỏ nghề diễn ra trên diện rộng vào những năm trước 1990.
- Từng là giáo viên, giảng viên, nay lại công tác ở Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bà có ấn tượng gì về tờ báo của ngành?
- Với tôi, dù là thời sinh viên sư phạm, hay khi trở thành nhà giáo và bây giờ ở vị trí công tác của một cơ quan Quốc hội, tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục và Đào tạo, tôi vẫn giữ trọn tình cảm yêu quý, trân trọng, tự hào đối với tờ báo của ngành.
Yêu quý vì Báo luôn là người bạn đồng hành, thân thiết, tin cậy của đông đảo các nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước; diễn đàn để các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học và cộng đồng xã hội chia sẻ, trao đổi, tranh luận, bày tỏ ý kiến đóng góp đối với sự nghiệp giáo dục. Trong những trường hợp cụ thể, Báo đã làm tốt vai trò xử lý khủng hoảng truyền thông, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên.
Trân trọng vì sự nỗ lực và trưởng thành mạnh mẽ, toàn diện của Báo trên các phương diện: Quy mô mở rộng hơn, nội dung phản ánh phong phú hơn, phương thức phản ảnh đa dạng hơn, chất lượng tin bài nâng cao hơn, đội ngũ làm Báo ngày càng phát triển, hùng hậu hơn.
Tự hào về vai trò, vị thế của tờ báo với tư cách là cơ quan ngôn luận chính thức của ngành Giáo dục; cầu nối giữa ngành Giáo dục với xã hội và ngược lại; giúp xã hội hiểu, ghi nhận những đóng góp của ngành Giáo dục, chia sẻ khó khăn của ngành, ủng hộ công cuộc đổi mới giáo dục; đồng thời giúp nhà giáo tiếp nhận kịp thời những hiệu ứng từ dư luận xã hội để điều chỉnh thái độ, hành vi, xứng đáng danh hiệu người giáo viên nhân dân.
Chủ lực trong truyền thông giáo dục
- Bà nhận định thế nào đóng góp của Báo GD&TĐ với nhiệm vụ truyền thông giáo dục trong thời gian qua?
- Tôi cho rằng việc đưa công tác truyền thông giáo dục trở thành nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học rất đúng và trúng. Giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; cũng là lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội và mỗi gia đình. Do vậy, để công tác giáo dục đạt được kết quả tốt, cần sự chung tay góp sức, đồng hành của cả xã hội; điều này cần vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ quan báo chí.
Với tư cách cơ quan ngôn luận của ngành, đương nhiên Báo GD&TĐ phải là chủ lực. Trên thực tế, Báo đã phát huy lợi thế của Báo ngành để đưa tin về các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhanh nhất; dành thời lượng cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhiều nhất và tương tác với lượng độc giả vừa hùng hậu vừa khắt khe nhất. Nói đúng hơn, Báo luôn tiên phong trong công tác triển khai chủ trương mới của Đảng, Nhà nước và của ngành về giáo dục với định hướng nhận thức, dẫn dắt dư luận; “đi cùng” công tác triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch năm học để phản ánh một cách kịp thời, trung thực, toàn diện về diễn biến hoạt động giáo dục. Khi năm học kết thúc, Báo đã góp phần nhìn nhận, đánh giá kết quả đã đạt, đúc kết những bài học kinh nghiệm để chuẩn bị cho một năm học mới.
Sẽ không quá lời khi nói rằng Báo GD&TĐ vừa là người bạn đồng hành cùng đông đảo đội ngũ người dạy, người học; vừa là tai mắt giúp cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục; lắng nghe, nắm bắt thực tiễn và kịp thời có những điều chỉnh cần thiết về chính sách, nhiệm vụ và giải pháp để góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
- Bà có gợi ý gì để Báo GD&TĐ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình trong bối cảnh hiện nay?
- Về mặt thuận lợi, Báo Giáo dục và Thời đại chiếm ưu thế của một tờ báo ngành với 65 năm tuổi - một chặng đường dài nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đầy vinh quang. Cần phát huy thế mạnh này để bảo vệ những giá trị cốt lõi của Báo như bề dày truyền thống; lực lượng hùng hậu với các thế hệ phóng viên đông đảo, tâm huyết, giàu kinh nghiệm, bản lĩnh. Ngoài ra, Báo ngành cần duy trì lợi thế được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất, bảo đảm độ tin cậy cao nhất khi chuyển tải thông tin những chính sách mới, tinh thần cải cách trong lĩnh vực giáo dục.
Còn về thách thức, Báo GD&TĐ cùng với các cơ quan truyền thông đang đứng trước những yêu cầu, thử thách mới: Đó là yêu cầu chuyển đổi để phù hợp với xu hướng của thời đại số, công nghiệp số. Nhiều mô hình truyền thông mới xuất hiện như báo chí di động, mạng xã hội, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện…, đòi hỏi báo chí truyền thống phải có chiến lược cạnh tranh, chủ động tiếp cận công nghệ kỹ thuật hiện đại, sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông sáng tạo, hấp dẫn, thu hút sự tương tác của mọi người, tạo hiệu ứng tích cực. Bên cạnh đó, những chính sách mới của ngành Giáo dục thường ảnh hưởng lớn, trực tiếp tới mọi người dân. Do vậy, để tạo được đồng thuận xã hội và đưa pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, Báo cần chủ động truyền thông từ sớm, kịp thời và chính xác thông qua các kênh khác nhau.
Làm tốt cầu nối giữa ngành Giáo dục với cộng đồng xã hội
- Vậy còn mong muốn với Báo GD&TĐ thì sao, thưa bà?
- Sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo là một hành trình lâu dài, đầy khó khăn, thử thách và đòi hỏi có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của đội ngũ nhà giáo và cộng đồng xã hội. Do vậy, rất cần sự đồng hành tích cực của các cơ quan truyền thông để tạo hiệu ứng cần thiết, trong đó, Báo ngành đương nhiên đóng vai trò chủ đạo. Đó là trách nhiệm, cũng là quyền lợi.
Là cơ quan ngôn luận của ngành, Báo GD&TĐ cần tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa ngành Giáo dục với cộng đồng xã hội. Một mặt phản ánh đầy đủ, kịp thời những yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống để giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục tham mưu xây dựng chính sách phù hợp. Một mặt tích cực đưa chính sách đổi mới giáo dục và đào tạo vào cuộc sống thông qua việc mở các diễn đàn truyền thông, trao đổi chính sách.
Báo GD&TĐ cần tiên phong hơn nữa trong phát hiện, giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả; biểu dương, tôn vinh, lan toả tấm gương nhà giáo, học sinh, sinh viên điển hình tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục; câu chuyện đầy cảm hứng về các thầy, cô giáo “cắm bản”, tình nguyện “gieo chữ” ở những địa bàn xa xôi, vùng đặc biệt khó khăn. Tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm để đề xuất giải pháp nhân rộng cho giai đoạn tới.
Báo GD&TĐ cần mạnh dạn hơn nữa trong phản biện chính sách, tham gia vào quá trình phản biện từ khâu dự thảo chính sách, góp phần làm cho chính sách ra đời sát thực hơn với đời sống nhân dân, nhất là đối với những chủ trương, quyết sách của ngành Giáo dục hoặc có liên quan công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo; có chính kiến phản bác những quan điểm tiêu cực, ảnh hưởng tới chủ trương và lộ trình đổi mới. Cần mở thêm các diễn đàn trao đổi về vấn đề còn ý kiến khác nhau, những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, từ đó định hướng dư luận xã hội, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. Báo ngành tạo được các góc nhìn, cách tiếp cận đa chiều để thể hiện thái độ khách quan, thận trọng thì tiếng nói định hướng mới sâu sắc, thuyết phục.
Từ thành công của 65 năm xây dựng và trưởng thành, tin tưởng rằng Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục có những bước chuyển mình mạnh mẽ; vừa bảo đảm thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, vừa không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tích cực, hiện đại để phát huy tốt nhất vai trò, thế mạnh của mình, xứng đáng là cơ quan truyền thông chủ lực về giáo dục và đào tạo. - TS Nguyễn Thị Mai Hoa