Khoảng 1 tuần trước, thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, mặc dù đã quá 2/3 thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nhưng trên hệ thống chỉ mới có gần 50% thí sinh thực hiện đăng ký. Vụ Giáo dục Đại học đã có văn bản đề nghị các trường đại học, sở GD&ĐT tuyên truyền, nhắc nhở thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung.
Thực tế cho thấy, việc chậm trễ đăng ký xét tuyển trên hệ thống năm nay có một phần lý do xuất phát từ việc đổi mới về mặt kỹ thuật. Các năm trước, thí sinh thực hiện việc đăng ký xét tuyển đại học trực tiếp, tầm giữa cuối học kỳ II, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế, hầu hết các trường phổ thông đã hỗ trợ tích cực thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng.
Giáo viên chủ nhiệm, bộ môn cho đến nhân viên văn phòng không chỉ tận tình tư vấn, hỗ trợ thí sinh mà còn đốc thúc cả về tiến độ. Vì thế, đa số trường dù chưa đến 2/3 chặng đường quy định, 100% học sinh đã chốt xong việc đăng ký xét tuyển.
Còn năm nay, thí sinh thực hiện việc đăng ký xét tuyển trực tuyến, sau khi kết thúc thi tốt nghiệp, đã rời nhà trường phổ thông, nên cơ bản các em phải tự xử lý mọi việc. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức đăng ký xét tuyển chung trên hệ thống cho các phương thức tuyển sinh.
Tất cả thí sinh buộc phải đăng ký (kể cả các thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển vào một cơ sở đào tạo), trừ thí sinh trúng tuyển thẳng theo Điều 8 của Quy chế nếu đã xác nhận nhập học. Hệ thống sẽ tự động lọc lần lượt các nguyện vọng (kể cả nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm) và thí sinh chỉ có thể đậu một nguyện vọng.
Cách làm này buộc thí sinh phải nghiên cứu rất kỹ, cân nhắc thấu đáo trong việc sắp xếp các nguyện vọng trên hệ thống. Vì thế, tình trạng thí sinh chậm trễ hơn trong khâu đăng ký là có thể hiểu được.
Những đổi mới về mặt kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích, rộng cơ hội và tạo công bằng hơn cho thí sinh, song thực tế không có giải pháp nào là tuyệt đối hoàn mỹ. Để tránh rủi ro về kỹ thuật (nếu có), Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh không nên để sát ngày hết hạn mới thực hiện đăng ký. Trong khoảng thời gian còn lại rất ít này, song song với sự chủ động của thí sinh, các sở GD&ĐT, trường đại học, phổ thông cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về tiến độ, cách thức đăng ký đến thí sinh.
Dẫu đa số thí sinh đều ở tuổi 18, đủ trưởng thành để có những quyết định riêng, thế nhưng được tiếp cận đầy đủ thông tin liên quan đến đăng ký xét tuyển là quyền của các em. Đây cũng là trách nhiệm mà mỗi sở GD&ĐT, trường THPT, phòng Giáo dục, cơ sở đào tạo cần phải làm tròn, để không một thí sinh nào rơi vào cảnh nhầm lẫn hoặc sai sót, mất đi cơ hội xét tuyển.